(HNM) - Mặc dù chịu nhiều sức ép do biến động của thị trường thế giới, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung... song tăng trưởng kinh tế trong chặng đường vừa qua của năm 2019 rất khả quan. Trong đó, chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động, linh hoạt đóng vai trò tích cực, trở thành "lực đẩy" góp phần cho kết quả này.
Tiếp tục xu hướng tích cực
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10-2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng tiếp tục xu hướng tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giữ ở mức thấp: CPI bình quân 10 tháng năm 2019 tăng 2,48% so với bình quân cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tăng khá, đạt hơn 217 tỷ USD, tăng 7,4%; xuất siêu 7 tỷ USD...
Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng cao thể hiện sự nỗ lực của các ngành kinh tế, đặc biệt là việc điều hành chính sách tiền tệ. Trên thực tế, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tác động nhiều chiều đến kinh tế nước ta, cả theo hướng thuận và không thuận.
Về mặt không thuận, 10 tháng năm 2019, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc là 62 tỷ USD, tăng 16,1% dẫn đến nhập siêu từ Trung Quốc lên tới hơn 29 tỷ USD, cao hơn cả năm 2018. Về mặt thuận, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ tăng cao. Xuất khẩu 10 tháng năm 2019 vào Mỹ đạt 49,9 tỷ USD, tăng 26,6% so với cùng kỳ và xuất siêu vào Mỹ 10 tháng là 37,9 tỷ USD...
Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thị trường tiền tệ mặc dù chịu nhiều sức ép do biến động của thị trường thế giới, nhưng nhờ sự điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phù hợp với thị trường, nên mặt bằng lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng vẫn tương đối ổn định, thanh khoản được bảo đảm. Tín dụng đối với một số ngành là động lực tăng trưởng kinh tế như công nghiệp, xây dựng, dịch vụ... có mức tăng trưởng khá. Tiến độ thu ngân sách nhà nước 10 tháng qua đạt kết quả tích cực, tăng 9,9% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn FDI đạt khá, tăng 7,4% so với cùng kỳ; xuất siêu khoảng 7 tỷ USD...
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Bá Lộc, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Eliss cho rằng: "Những năm qua, với sự nỗ lực của các ngành chức năng, cấp thẩm quyền, chúng ta giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới 4%, kéo giảm bội chi, nợ công, xử lý nợ xấu, bảo đảm an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, an toàn hệ thống ngân hàng. Vì vậy, người dân tin tưởng, gửi tiền vào ngân hàng, nhờ đó hệ thống ngân hàng có nguồn vốn ổn định để cung ứng cho nền kinh tế".
Phối hợp hài hòa với các chính sách khác
Về điều hành chính sách tiền tệ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình) đánh giá, dòng tiền như mạch máu trong cơ thể. Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong việc điều hành chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, giúp cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa hưởng lợi.
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, giữ ổn định các mức lãi suất điều hành và chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, cân đối tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, bảo đảm an toàn tài chính.
Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường trong nước đan xen những thuận lợi, khó khăn, thị trường quốc tế và khu vực biến động khó lường; Ngân hàng Nhà nước vẫn chủ động, linh hoạt các giải pháp để ổn định thị trường ngoại tệ. Các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế đều được đáp ứng đầy đủ. Ông Phạm Thanh Hà nhấn mạnh, cơ cấu tín dụng chuyển biến tích cực, trong đó tập trung vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đều trong tầm kiểm soát. Vì vậy, mặc dù những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp hơn, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục tăng cao, cho thấy tín dụng được phân bổ hiệu quả và có chất lượng.
Có thể nói, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dù chỉ còn gần 2 tháng là hết năm 2019, song Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, trên cơ sở các mục tiêu đã đặt ra, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng; phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối...
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, còn nhiều thách thức, tồn tại đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đó là rủi ro từ bên ngoài, có tác động tới thương mại, ảnh hưởng đến đầu tư, tỷ giá của Việt Nam. Do đó, việc điều hành tỷ giá, chính sách tiền tệ cần thận trọng. Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực với quyết tâm cao nhất từ nay đến cuối năm, kiên định với những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội được giao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.