(HNM) - Cuối năm là thời điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Đó là các làng nghề, cơ sở sản xuất, chợ, trung tâm thương mại… vào mùa tích trữ nguyên liệu, hàng hóa.
Tại Hà Nội, chỉ tính từ tháng 9 đến tháng 11-2018, số vụ cháy đã chiếm gần 30% số vụ và gần 50% số người chết, bị thương tính từ đầu năm. Ngay trong tháng 12 này, "bà hỏa" đã liên tiếp xuất hiện ở Hà Nội. Số vụ cháy có thể liệt kê, song những mất mát thì không con số nào đong đếm nổi… So với cùng kỳ năm 2017, số vụ cháy và thiệt hại về người của năm 2018 trên địa bàn Hà Nội đã giảm, nhưng thiệt hại về tài sản lại tăng, cho thấy tình hình cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp; nhất là trong mùa hanh khô.
Thực tế cho thấy, công tác phòng cháy, chữa cháy luôn được TP Hà Nội coi là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên. Đặc biệt, những năm qua, các vướng mắc trong lĩnh vực này đã được nỗ lực giải quyết bằng cách tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện toàn diện các mặt như tập trung rà soát hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ phòng cháy, chữa cháy; tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm; công khai các tòa nhà chưa bảo đảm yêu cầu phòng cháy và xây dựng lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy chính quy, tinh nhuệ...
Trên tinh thần cụ thể, chi tiết, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm đến từng ban ngành, địa phương, thời gian tới, nhất là trong dịp Tết, công tác phòng cháy, chữa cháy cần được tiếp tục chủ động nâng cao chất lượng, hiệu quả một cách toàn diện, bảo đảm an toàn cho người dân, an toàn sản xuất kinh doanh...
Theo đó, trong rất nhiều các giải pháp thì tuyên truyền vẫn được coi là hiệu quả hàng đầu. Tuy nhiên, không tuyên truyền suông mà đi sâu vào thực hành những tình huống giả định. Khi “mắt thấy, tai nghe” thì ý thức của người dân trong phòng, chống cháy nổ sẽ cao hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc mỗi cá nhân sẽ chủ động thực hiện phương châm phòng cháy hơn chữa cháy; đồng thời là nhân tố tích cực phát triển phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Chú trọng đầu tư đủ trang bị phương tiện chữa cháy; chế độ, chính sách được bổ sung phù hợp cho lực lượng “4 tại chỗ” sẽ tạo sức lan tỏa theo cả bề rộng và chiều sâu cho phong trào này.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần kiên quyết trong xử lý nghiêm, triệt để, kịp thời mọi vi phạm. Với tinh thần quyết liệt, ngày 31-10-2018, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị 24-CT/TU về nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo đó, việc chấp hành quy định về phòng cháy, chữa cháy là một tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, cán bộ, đảng viên… Đồng thời, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra cháy, nổ trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình…
Phòng cháy, chữa cháy không là trách nhiệm của riêng ai. Nhưng với việc xác định trách nhiệm theo “tọa độ” cụ thể, tăng tính chủ động, công tác này nhất định sẽ biến chuyển thực chất hơn trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.