(HNM) - Việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập từ cơ chế nhà nước bao cấp sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm là xu thế tất yếu.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, những năm qua, thành phố đã có hàng loạt chủ trương, biện pháp nhằm đổi mới cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập. Việc phân cấp, giao quyền và trách nhiệm cho các thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập được đẩy mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị có động lực chủ động đề xuất cơ chế quản lý hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản cho biết, đến hết năm 2016, tổng số đơn vị sự nghiệp được giao quyền tự chủ trên địa bàn Hà Nội là 2.596 đơn vị. Chỉ còn 4 đơn vị chưa tự chủ là các ban quản lý dự án và đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ. Tuy nhiên, trong số 2.596 đơn vị được giao quyền tự chủ trên mới chỉ có 70 đơn vị tự bảo đảm được chi thường xuyên, không cần ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Trong đó, 5 đơn vị đã được phân loại là đơn vị tự bảo đảm kinh phí hoạt động trong giai đoạn 2013-2016 là Trường THPT Phan Huy Chú, Trường THPT Hoàng Cầu, Trường Trung cấp Tin học Hà Nội, Ban Phục vụ lễ tang thành phố, Trung tâm Kiểm định kỹ thuật an toàn Hà Nội. Hai đơn vị đã được phân loại đơn vị tự bảo đảm kinh phí hoạt động từ năm 2017 là Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Con số này được cho là còn ít, thể hiện tốc độ giao quyền tự chủ và khả năng tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên còn chậm. Trong khi đó, việc phân bổ kinh phí hoạt động chi thường xuyên chưa thực sự gắn kết giữa giao nhiệm vụ và giao kinh phí nên còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản cũng cho biết, một số đơn vị sự nghiệp công lập chưa nhận thức được xu hướng đổi mới nên chưa chủ động thực hiện đổi mới cơ chế. Ngược lại, hệ thống cơ chế chính sách về tự chủ trong quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập chưa đồng bộ, còn gặp khó khăn khi triển khai. Chẳng hạn như trong lĩnh vực giáo dục, việc phân cấp tự chủ cho các trường học, bao gồm tự chủ về tài chính, nhân sự… vẫn đang là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa đi đến thống nhất và chưa biết bao giờ mới thành chủ trương chính thức…
Tuy còn nhiều khó khăn, song theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, quan điểm của Hà Nội là cần tiếp tục đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo điều kiện thực tế, không hoàn toàn trông chờ vào cơ chế. Hướng đi có thể là vận dụng chuyển dần từ cơ chế thu phí dịch vụ sang cơ chế giá dịch vụ, theo hướng tính đúng, tính đủ để tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển sang tự chủ hoàn toàn về kinh phí, từ đó, mới tự chủ về con người.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, Hà Nội sẽ phấn đấu đến năm 2021 giảm 10% chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Để đạt được mục tiêu đó, bên cạnh các giải pháp đồng bộ khác, Hà Nội sẽ tăng cường đổi mới cơ chế quản lý theo hướng phân cấp, phân quyền, hướng tới trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện cho các đơn vị sự nghiệp công lập, gồm cả về tài chính, thực hiện nhiệm vụ và bộ máy tổ chức, biên chế. Về đổi mới cơ chế tài chính, điểm đáng quan tâm là thành phố sẽ nghiên cứu, ban hành lộ trình và kế hoạch để đơn vị sự nghiệp công trên địa bàn đủ điều kiện được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp… Bên cạnh đó, Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành sớm hoàn thiện hệ thống cơ chế để thống nhất trong chỉ đạo và thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.