Cải cách hành chính

Ba “điểm nghẽn” trong quản lý hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập

Mai Hữu 19/08/2024 - 12:33

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị nghiên cứu giải pháp cho ba “điểm nghẽn” nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập.

Sáng 19-8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của Đoàn giám sát và thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023”.

ubtvqh7.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Còn tình trạng “cào bằng” trong giảm 10% biên chế

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập đạt kết quả tích cực, nhất là giai đoạn 2015-2021 vượt mục tiêu đề ra (giảm 13,33%/chỉ tiêu 10%). Giai đoạn 2015-2021, tổng biên chế sự nghiệp giảm vượt mục tiêu đề ra (giảm 11,67%/chỉ tiêu 10%); số lượng cấp phó cơ bản đã đáp ứng tiêu chí quy định.

Việc đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đã giúp các đơn vị sự nghiệp công lập chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính hiệu quả hơn. Việc quản lý, sử dụng tài chính và tài sản công trong các đơn vị sự nghiệp công lập được chú trọng, góp phần khắc phục tình trạng lãng phí.

ubtvqh4.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo của Đoàn giám sát. Ảnh: media.quochoi.vn

Tuy nhiên, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu còn mang tính cơ học. Tốc độ sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập đang chậm lại trong giai đoạn 2021-2023. Việc giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2023 ở các địa phương đạt tỷ lệ thấp. Còn tình trạng cào bằng trong việc thực hiện chỉ tiêu giảm 10% biên chế sự nghiệp.

Đáng lưu ý, việc hướng dẫn và áp dụng mô hình quản trị như doanh nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư còn lúng túng, chưa hiệu quả. Chủ trương thành lập hội đồng trường ở tất cả các cơ sở giáo dục đại học công lập còn bất cập.

Việc thực hiện cơ chế tự chủ chưa bền vững, đồng bộ; tổng chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho hoạt động sự nghiệp vẫn tăng qua từng năm; cơ chế cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết còn bất cập…

ubtvqh9.jpg
Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Cũng theo ông Hoàng Thanh Tùng, từ 9 bài học kinh nghiệm rút ra sau giám sát, Đoàn giám sát kiến nghị cần tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, đồng bộ chủ trương của Đảng, khắc phục các bất cập, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xây dựng Luật điều chỉnh chung đối với đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập, báo cáo Quốc hội kết quả nghiên cứu vào cuối năm 2025”, ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Đoàn giám sát kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong năm 2024, hoàn thành việc phê duyệt vị trí việc làm viên chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp; tiếp tục thực hiện việc giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước trên cơ sở vị trí việc làm, đạt mục tiêu đề ra, có tính đến đặc thù của ngành Giáo dục và Đào tạo, y tế...

ubtvqh8.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Giải pháp từ cơ chế, chính sách đặc thù

Thảo luận về báo cáo của Đoàn giám sát tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần nghiên cứu giải pháp cho 3 “điểm nghẽn” được nêu trong báo cáo giám sát, đó là cần giải quyết cho được tính cơ học là chủ yếu trong sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay; bền vững, đồng bộ trong thực hiện cơ chế tự chủ và cải cách hành chính nhằm bảo đảm bình đẳng giữa đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng nguyên nhân chủ quan là vấn đề lớn nhất để xảy ra những hạn chế, bất cập trong quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đó là nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức về yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị; xây dựng ban hành chưa đồng bộ các văn bản và công tác lãnh đạo, chỉ đạo từng lúc, từng nơi còn buông lỏng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhận định, chất lượng, hiệu quả sau khi đổi mới tổ chức quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập trong báo cáo giám sát đang còn thiếu số liệu, thông số để phản ánh. “Như sau sắp xếp thì bao nhiêu phần trăm đơn vị tốt lên, đạt yêu cầu về tinh giản tổ chức, biên chế; bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cán bộ, công chức, viên chức… Đó là những kết quả cuối cùng chúng ta mong muốn đạt được sau khi sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

ubtvqh6.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn

Quan tâm đến việc triển khai chính sách xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho rằng, việc triển khai chính sách này đang chững lại, đặc biệt là trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học công nghệ… “Còn rất xa để đạt được sự bình đẳng trong việc cung cấp dịch vụ công giữa các đơn vị sự nghiệp công lập và các doanh nghiệp tư nhân”, ông Lê Quang Mạnh phát biểu và đề nghị cần có giải pháp về cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân tham gia xã hội hóa cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nêu ra 3 kiến nghị, trong đó cần xây dựng cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm phù hợp với tính chất đặc thù của từng lĩnh vực; nhà nước vẫn phải bố trí ngân sách bảo đảm phù hợp chức năng của các đơn vị trên cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động. Đồng thời tự chủ toàn diện và đồng bộ giữa nhiệm vụ, tổ chức, biên chế, bộ máy, con người và tài chính, tài sản; bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế đánh giá hiệu quả của đơn vị sự nghiệp công lập.

ubtvqh10.jpg
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành biểu quyết. Ảnh: media.quochoi.vn

Tại phiên họp, với 100% thành viên có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua về nguyên tắc nội dung cơ bản của Nghị quyết giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba “điểm nghẽn” trong quản lý hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.