(HNM) - Chỉ trong một phạm vi nhỏ của các siêu thị, hội chợ... trên địa bàn Thủ đô, nhưng người tiêu dùng có thể mua bất cứ đặc sản nào của các vùng, miền trên cả nước. Sự thuận tiện ấy có được là do kết quả từ sự kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố thời gian qua.
Chỉ riêng trong năm 2019, Hà Nội đã tổ chức hàng loạt đoàn công tác, chủ động kết nối thương mại tại hàng loạt các tỉnh, thành, như: Điện Biên, Lai Châu, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Đà Nẵng, Bình Dương… để đẩy mạnh tìm kiếm nguồn hàng chất lượng, bổ sung nguồn cung, phục vụ người tiêu dùng của thành phố.
Mới đây nhất tối 11-1, Sở Công Thương đã tổ chức Hội chợ hàng hóa nông sản, thực phẩm Tết Canh Tý 2020, thu hút sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh của 21 tỉnh, thành trên cả nước. Trước đó, dịp Tết Dương lịch - thời điểm diễn biến giá thịt lợn tăng, Hà Nội đã chủ động liên kết với 12 tỉnh, thành phố nhằm cung ứng kịp thời 8.920 tấn thịt lợn, bổ sung nguồn cung cho nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.
Tính chung trong giai đoạn 2016-2019, thành phố đã tổ chức liên kết vùng miền, kết nối cung cầu với trên 50 tỉnh, thành phố cả nước. Nhờ đó, đã có 38 hoạt động giao thương kết nối nông sản, thực phẩm; 29 tuần lễ trái cây, nông sản các địa phương được tổ chức tại Hà Nội, hơn 1.000 biên bản ghi nhớ được ký kết... Trong năm 2019, đã có 250 nhà cung cấp mới với hơn 700 sản phẩm mới của các địa phương được kết nối - tiêu thụ tại kênh phân phối trên địa bàn thành phố.
Việc kết nối cung cầu với các tỉnh, thành phố, đưa hàng hóa về Thủ đô phục vụ người dân đã chứng minh được tính hiệu quả, thiết thực. Song, để phát huy hơn nữa thế mạnh này, Hà Nội rất cần sự chung tay của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương; đồng thời bản thân các sở, ngành, doanh nghiệp… đóng trên địa bàn cũng cần phối, kết hợp chặt chẽ hơn.
Về phía thành phố, việc ký kết thỏa thuận với Bộ Công Thương về hỗ trợ kinh phí, tổ chức các chương trình liên kết vùng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của các địa phương khác tại Hà Nội (và ngược lại) và với Bộ NN&PTNT về hỗ trợ xây dựng phần mềm truy xuất được nguồn gốc của các sản phẩm mang đến Hà Nội tiêu thụ là điều rất cần thiết.
Về phía các sở, ngành của thành phố, cần tăng cường phối hợp với các sở, ngành của tỉnh bạn để có được thông tin hữu ích (chủng loại sản phẩm, sản lượng thu hoạch, thời gian chuyển đến Hà Nội…), cung cấp cho các doanh nghiệp trong hệ thống kết nối - tiêu thụ, giúp họ chủ động nguồn hàng và phương án phân phối.
Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng kết nối, tránh sự trùng lặp về nhóm sản phẩm giữa các tỉnh, thành phố thường xuyên cung cấp nguồn hàng cho Hà Nội. Ngoài ra, Sở Công Thương, Sở NN&PTNT, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố nên thiết lập “đầu mối” trong công tác kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp, siêu thị nhập hàng cũng như thực hiện ưu đãi về mặt bằng, vốn vay, thủ tục hành chính…
Về phần mình, các doanh nghiệp phân phối của Hà Nội xem xét mở rộng hạ tầng thương mại (siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, điểm kinh doanh thực phẩm an toàn…); ký kết hợp đồng ngay từ đầu năm, đầu vụ với đối tác của các địa phương để bảo đảm ổn định nguồn cung, giảm giá sản phẩm đầu vào; hướng dẫn các đơn vị cung ứng sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đa dạng, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng Thủ đô.
Với người tiêu dùng Hà Nội cũng rất cần dành sự ủng hộ cho các đặc sản vùng, miền trên cả nước, bởi ngoài việc có thêm sự lựa chọn hữu ích thì còn là sự thể hiện tinh thần “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội” và thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.