(HNM) - Ngày 25-5-2017, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải ký Quyết định số 2200-QĐ/TU ban hành “Quy chế Tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố”.
Qua hơn 6 tháng triển khai Quy chế cho thấy, việc tăng cường đối thoại đã kịp thời tháo gỡ, giải quyết nhiều vụ việc, tăng sự đồng thuận trong xã hội đối với việc thực hiện các nhiệm vụ của thành phố và từng địa phương.
Một hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo huyện Thanh Oai và doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Mai |
Giải quyết vấn đề nhân dân kiến nghị
Từ đầu tháng 12-2017 đến nay, cán bộ, công chức các phòng, ban thuộc UBND quận Long Biên đã tập trung thực hiện nhiệm vụ giải quyết kiến nghị công dân tại hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quận với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn. Hơn 20 ý kiến với gần 50 vấn đề từ lớn đến nhỏ đã được cơ quan chức năng của quận rà soát kỹ, so sánh với thực tiễn, xác định độ chính xác, sau đó phân loại, tham mưu phân công giải quyết…
Thực hiện Quy chế Tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố (Quy chế Tiếp xúc, đối thoại), quận Long Biên coi đối thoại là giải pháp quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhất là thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội “Về việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”. Giữa tháng 11-2017, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận đã trực tiếp đối thoại với người dân phố Bắc Cầu (phường Ngọc Thụy) về Dự án nghĩa trang Bãi Xém. Với thông điệp “Dù phương án nào đi nữa thì dự án chỉ được triển khai khi có sự đồng ý của người dân", cuộc đối thoại đã khiến người dân yên lòng.
Là địa phương có bề dày kinh nghiệm, huyện Phúc Thọ tiếp tục cụ thể hóa Quy chế Tiếp xúc, đối thoại, trong đó chú trọng tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo cơ sở. Không chỉ chủ động đối thoại với người dân để giải quyết vấn đề mới phát sinh ngay từ cơ sở, bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã, thị trấn còn có trách nhiệm tham gia tiếp dân, đối thoại với dân cùng bí thư huyện ủy, chủ tịch UBND huyện. Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú khẳng định: “Hiện nay, về cơ bản, tất cả các vi phạm đất đai trên địa bàn huyện đã được xem xét giải quyết. Số đơn, thư vượt cấp giảm đáng kể”.
Tại quận Thanh Xuân, tiếp thu ý kiến người dân tại các cuộc đối thoại, Bí thư Quận ủy và Chủ tịch UBND quận đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính, áp dụng hàng loạt mô hình mới. Nổi bật là mô hình nhắn tin SMS thay cho giấy hẹn trả thủ tục hành chính cho người dân. Đặc biệt, từ ngày 1-12-2017, quận Thanh Xuân áp dụng mô hình đăng ký lấy số làm thủ tục hành chính qua mạng internet tại nhà. “Những điều người dân kiến nghị với quận tại cuộc đối thoại đã thành sự thật. Một chính quyền lắng nghe và tôn trọng ý kiến của dân là chính quyền được dân tin yêu và đồng thuận” - ông Lê Đình Tâm (phường Thanh Xuân Bắc) chia sẻ.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả đối thoại
Một buổi đối thoại thủ tục hành chính tại quận Thanh Xuân. |
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đào Ngọc Triệu cho biết, thực hiện Quy chế Tiếp xúc, đối thoại, 100% đơn vị, địa phương đã ban hành kế hoạch; 26/30 quận, huyện, thị xã và 80% phường, xã, thị trấn đã tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn. Việc thực hiện Quy chế đã tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy trong thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TƯ ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành “Quy chế về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền". Đặc biệt, việc tiếp xúc, đối thoại đã được triển khai đồng bộ, toàn diện và nhất quán trong toàn hệ thống chính trị thành phố.
Theo đồng chí Đào Ngọc Triệu, qua theo dõi việc thực hiện Quy chế Tiếp xúc, đối thoại, có một vấn đề đáng quan tâm là phần lớn ý kiến tại các hội nghị đối thoại vẫn tập trung vào các vấn đề xã hội, dân sinh. Các cuộc đối thoại có đặc điểm khá giống với các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội hay đại biểu HĐND các cấp; chưa rõ tính chất “góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” của Quyết định 218-QĐ/TƯ. Ngoài ra, một số cuộc đối thoại nặng về trình bày văn bản khiến thời gian đối thoại chưa nhiều.
Theo Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn, đối thoại là dịp để cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng nhau thấu hiểu để giải quyết những vướng mắc, khó khăn, bức xúc của nhân dân, từ đó nghiêm túc rút kinh nghiệm những hạn chế, khuyết điểm. Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm Lê Văn Thư khẳng định, mối liên hệ giữa cấp ủy và nhân dân tốt hay không chính là từ những nguyện vọng chính đáng của người dân được cấp ủy tiếp thu, giải quyết kịp thời. Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết, ngoài đối thoại với doanh nghiệp, với cảnh sát khu vực, sắp tới quận sẽ tổ chức đối thoại với cán bộ quản lý khối giáo dục...
Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Đào Ngọc Triệu, gắn với thực hiện “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018”, Ban Dân vận Thành ủy đề nghị các cấp ủy có kế hoạch thực hiện Quy chế Tiếp xúc, đối thoại ngay từ đầu năm, tập trung đối thoại với những đối tượng như công nhân, học sinh, sinh viên; đối thoại gắn với thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU. Đặc biệt, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của Quy chế, Ban Dân vận Thành ủy với nhiệm vụ được giao là đôn đốc, kiểm tra, giám sát sẽ tiếp tục gắn kết quả thực hiện của các cấp ủy với công tác thi đua, khen thưởng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.