Nhằm tăng hiệu quả đôn đốc thu, giảm tỷ lệ chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), những ngày cuối quý I-2024, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội tổ chức hội nghị đối thoại với người sử dụng về việc tham gia các chính sách.
Tại huyện Chương Mỹ, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT huyện tiến hành đối thoại với đại diện một số doanh nghiệp chưa tham gia BHXH cho người lao động và các doanh nghiệp có số lao động tham gia BHXH chênh lệch với dữ liệu so với cơ quan Thuế.
Nội dung cuộc trao đổi giữa đại diện cơ quan chức năng và đơn vị sử dụng lao động cho thấy, đến thời điểm quý I năm 2024, số người tham gia các chính sách trên địa bàn huyện Chương Mỹ đều tăng. Đáng chú ý, chính sách BHXH bắt buộc có 36.495 người tham gia, tăng 732 người so với cùng kỳ năm 2023, bằng 43,6% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia BHTN là 35.331 người, tăng 733 người so với cùng kỳ năm 2023, bằng 39,8% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tuy nhiên, theo dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp, trên địa bàn huyện còn 596 doanh nghiệp có phát sinh mã số thuế, nhưng chưa thực hiện đăng ký tham gia BHXH cho người lao động, gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động và vi phạm các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT.
Nhằm bảo đảm các quyền, lợi ích cho người lao động, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT huyện Chương Mỹ đề nghị các doanh nghiệp đóng trên địa bàn ưu tiên thực hiện các nghĩa vụ về tham gia BHXH, BHYT cho người lao động, đóng nộp BHXH, BHYT đầy đủ hằng tháng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành về BHXH, BHYT; nâng cao trách nhiệm tự kê khai trung thực thuế thu nhập cá nhân và trích nộp BHXH, BHYT đầy đủ, kịp thời cho người lao động, tránh việc bị thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính và xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Tương tự huyện Chương Mỹ, dịp này, Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các quận: Hà Đông, Hoàng Mai cùng các huyện: Hoài Đức, Phúc Thọ, Thạch Thất cũng tổ chức hội nghị làm việc với các đơn vị, doanh nghiệp chưa tham gia BHXH, BHYT hoặc tham gia chưa đầy đủ.
Với tinh thần lắng nghe, chia sẻ, phía các đơn vị, doanh nghiệp mong muốn các địa phương có hướng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho đơn vị, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó góp phần giúp các doanh nghiệp có điều kiện thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho người lao động. Phía các cơ quan chức năng cũng đề nghị các doanh nghiệp chú trọng, ưu tiên bảo đảm quyền lợi về BHXH, BHYT cho người lao động, bởi nó là “sợi dây” gắn kết giữa người lao động với doanh nghiệp; đồng thời, là giải pháp quan trọng để doanh nghiệp có nguồn nhân lực ổn định, có kinh nghiệm làm việc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.