(HNM) - Với nền tảng là công nghệ thông tin, hoạt động trên không gian mạng, thương mại điện tử có sự phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, công tác thu thuế đối với nhóm đối tượng này không dễ dàng. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần triển khai nhiều giải pháp tăng cường quản lý thuế, tránh thất thu cho ngân sách.
Thu nhập cao từ các nhà mạng
Phó Trưởng phòng Kê khai - Kế toán thuế (Cục Thuế Hà Nội) Lê Ngọc Huy cho biết, theo quy định, các cá nhân có thu nhập từ kinh doanh mà doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên phải nộp thuế. Cá nhân cung cấp sản phẩm, dịch vụ quảng cáo trên các trang mạng phân phối ứng dụng, mạng chia sẻ nội dung (App store, CH Play, Facebook...) và nhận được tiền thù lao từ các nhà mạng phải nộp 7% thu nhập từ nguồn này (gồm 2% thuế thu nhập và 5% thuế giá trị gia tăng).
Qua rà soát trên hệ thống cơ sở dữ liệu, bước đầu Cục Thuế Hà Nội đã yêu cầu 483 địa chỉ cá nhân có hoạt động thương mại điện tử kê khai, nộp thuế theo quy định và đến nay đã thu được hơn 10 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, Cục cũng đã rà soát 13.422 chủ tài khoản Facebook có các hoạt động kinh doanh. Trong số này có khoảng 2.000 cá nhân đã đăng ký và được cấp mã số thuế. Năm 2019, bước đầu đã thu được 1,2 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.
“Theo kết quả rà soát, riêng hoạt động kinh doanh phần mềm, dịch vụ, cung cấp các trò chơi… trên mạng, cơ quan thuế Hà Nội xác định có hơn 1.100 cá nhân tham gia với tổng doanh thu trong 3 năm (2017-2019) khoảng 4.800 tỷ đồng. Trong đó người có thu nhập cao nhất lên tới 140 tỷ đồng từ các nhà mạng. Cục đã thông báo, thực hiện truy thu và tính đến thời điểm hiện nay, số thu thuế từ nhóm này đạt trên 15 tỷ đồng”, ông Lê Ngọc Huy thông tin.
Thực tế cho thấy, nhiều cá nhân có thu nhập qua kinh doanh thương mại điện tử sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ thuế. Anh Lương Bách Trọng, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) có thu nhập khá cao từ nhà mạng qua sản xuất phần mềm trò chơi điện tử cho biết, sau khi nắm được quy định anh đã thực hiện kê khai, nộp thuế đầy đủ. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp chây ì. Trong năm 2019, Cục Thuế Hà Nội đã xử lý trên 30 trường hợp không kê khai nộp thuế với tổng số tiền truy thu 18 tỷ đồng.
Quy định rõ trách nhiệm
Trao đổi với phóng viên xung quanh tình trạng chây ì nộp thuế, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Viên Viết Hùng chia sẻ, trường hợp không kê khai và nộp thuế theo quy định được coi là hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Mới đây, Cục Thuế Hà Nội đã tổ chức buổi tuyên truyền về chính sách đăng ký, kê khai và nộp thuế cho 200 cá nhân trên địa bàn có phát sinh doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử.
“Cơ quan thuế mong người nộp thuế chủ động, tự giác kê khai và nộp thuế theo đúng quy định. Hạn kê khai và nộp thuế là trong vòng 30 ngày, từ nay đến cuối tháng 7-2020. Cá nhân nào cố tình không kê khai và nộp thuế, cơ quan thuế sẽ có những biện pháp cưỡng chế để truy thu theo đúng quy định”, ông Viên Viết Hùng cho biết.
Theo ông Viên Viết Hùng, quá trình thực hiện quản lý thuế với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cũng nảy sinh nhiều khó khăn. Chẳng hạn, việc giới hạn cung cấp thông tin do phục vụ cho công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vì vậy, cơ quan thuế không triển khai phân tích được trên cơ sở dữ liệu lớn. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đa dạng nhưng quy định pháp lý về thuế lại thiếu cụ thể, gây khó khăn trong phổ biến chính sách hay xác định tỷ lệ thuế áp dụng đến người nộp thuế.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, giao dịch thương mại điện tử khó kiểm chứng thông tin nhận dạng, dễ dàng xóa bỏ, thay đổi nên khó khăn trong việc nắm bắt các giao dịch. Trong bối cảnh đó, ngành Thuế cần có nền tảng công nghệ tốt, minh bạch, nghiêm khắc, rõ ràng và kịp thời, bởi chỉ khi thực hiện kê khai thuế đúng, việc quản lý thuế với người kinh doanh qua mạng mới đi vào quy củ; Nhà nước không bị thất thu thuế.
Ông Viên Viết Hùng cho rằng, giải pháp quan trọng là cần có sự tham gia tích cực từ các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước khác. Cùng với đó là xây dựng, bổ sung chính sách quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến chính sách pháp luật để người nộp thuế tự giác thực hiện khi tham gia hoạt động kinh doanh. Cục Thuế Hà Nội cũng đề xuất Tổng cục Thuế nghiên cứu, phát triển các công cụ tìm kiếm để rà soát các hoạt động thương mại điện tử trên internet, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về quản lý người nộp thuế trên toàn quốc.
Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020 quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và của các tổ chức, cá nhân với cơ quan thuế. Vì vậy, luật này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ rất lớn trong quản lý thuế đối với kinh doanh hoạt động thương mại điện tử.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.