Nếu như năm 2022, doanh thu quản lý thuế thương mại điện tử là 3,1 triệu tỷ đồng, với số thuế đã nộp 83 nghìn tỷ đồng, thì năm 2023, doanh thu quản lý là 3,5 triệu tỷ đồng, số thuế đã nộp là 97 nghìn tỷ đồng.
Thông tin trên được Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn chia sẻ chiều 25-4.
Thời gian qua, ngành Thuế đã tiếp cận hoạt động thương mại điện tử theo các nền tảng có hoạt động thương mại điện tử, để áp dụng biện pháp quản lý phù hợp.
8 nhóm nền tảng chính gồm: Sàn giao dịch thương mại điện tử; website/ứng dụng thương mại điện tử; nền tảng mạng xã hội; nền tảng giao thông, vận tải, giao nhận; nền tảng đại lý; nền tảng thuê bao; nền tảng quảng cáo và kho ứng dụng.
Ngoài ra, ngành Thuế cũng phân loại người nộp thuế tham gia hoạt động thương mại điện tử theo 2 nhóm chính: Cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong nước (bao gồm chủ sở hữu nền tảng có hoạt động thương mại điện tử, tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội và các nền tảng khác) và cung cấp hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới (bao gồm nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ hoạt động đăng tải sản phẩm, nội dung thông tin số trên các nền tảng nước ngoài; tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử và các nền tảng khác).
Với nhiều giải pháp đã được thực hiện, đặc biệt là việc vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế trực tuyến, kết quả quản lý thuế thương mại điện tử đạt khả quan.
Trong 2 năm gần đây, kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tăng dần. Nếu như năm 2022, doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng, với số thuế đã nộp là 83 nghìn tỷ đồng, thì năm 2023, doanh thu quản lý là 3,5 triệu tỷ đồng, số thuế đã nộp là 97 nghìn tỷ đồng.
Thời gian tới, nhiều giải pháp quản lý thuế thương mại điện tử sẽ được triển khai, trong đó, các chính sách pháp luật thuế và chuyên ngành được sửa đổi, bổ sung, nhằm bao quát toàn diện hoạt động thương mại điện tử. Đồng thời, việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử cũng được đổi mới theo hướng tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.