Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường kết nối đưa nghiên cứu khoa học vào thực tiễn

Nam Trung| 13/04/2022 07:19

(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh là một trong các địa phương đạt nhiều thành tựu trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Tuy nhiên, việc đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn. Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp kết nối thông tin, hỗ trợ để chuyển giao các nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tiễn.

Giới thiệu các sản phẩm công nghệ tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh).

Mới đây, nhóm nghiên cứu công nghệ sinh học của Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển thành công giải pháp sinh học toàn diện với bộ sản phẩm men ủ phân hữu cơ, phân bón lên men dạng lỏng, góp phần phát triển nông nghiệp sạch, không hóa chất. Quy trình công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ gồm các bước xay và nghiền phụ phế phẩm, sau đó trộn với chế phẩm men vi sinh và ủ trong 30-45 ngày sẽ thu được dạng mùn hữu cơ. Sản phẩm thu được từ quy trình này có thể sử dụng để bón lại cho đất (bón gốc, bón lót).

Kết quả thực nghiệm cho thấy, phân bón lên men dạng lỏng giúp lúa tăng năng suất 15%, thu hoạch sớm 10 ngày; mía đạt độ đường cao hơn 2%, thu hoạch sớm hơn 15 ngày; dưa hấu cho năng suất cao hơn 10-15%, độ ngọt tăng 2-5% so với các ruộng không dùng sản phẩm lên men dạng lỏng. Một lít sản phẩm có thể sử dụng cho 1 tấn nguyên liệu phế phụ phẩm. Sản phẩm mới góp phần xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao, hiệu quả và bền vững.

Cùng một mục tiêu nghiên cứu, Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh cũng đã nghiên cứu và thực hiện thành công quy trình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ giá thể mụn dừa đã qua sử dụng. Khi sử dụng phân hữu cơ vi sinh bổ sung vào giá thể trồng (tỷ lệ 60% giá thể và 40% phân hữu cơ vi sinh) đều giúp cho năng suất và chất lượng của cây trồng (rau cải bẹ xanh, dưa lưới,...) cao hơn so với giá thể mụn dừa trơ.

Trong khi đó, tác giả Nguyễn Khắc Biên (Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh) đã triển khai nghiên cứu, ứng dụng nguồn nguyên liệu bùn thải, tro trấu từ nhà máy bia để sản xuất phân bón hữu cơ. Ông Nguyễn Khắc Biên cho biết, bùn thải từ nhà máy bia có hàm lượng chất hữu cơ cao, khi phối trộn với một số nguyên liệu khác sẽ tạo thành hỗn hợp phù hợp với quá trình lên men. Ngoài việc tận dụng tối đa nguồn phế phẩm vốn bị bỏ đi, kết quả thử nghiệm với cây rau mầm cho thấy loại phân bón hữu cơ này giúp cây phát triển tốt trong môi trường giá thể; cây phát triển mạnh hơn, năng suất cao hơn so với bón các loại phân hữu cơ đang phổ biến trên thị trường.

Trên đây chỉ là một vài dự án nghiên cứu khoa học trong chế biến phân vi sinh phục vụ sản xuất và phát triển nông nghiệp sạch từ các tổ chức, doanh nghiệp khoa học công nghệ của thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, để kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn một cách hiệu quả, rộng rãi, không thể bỏ qua vai trò của tổ chức trung gian giới thiệu và sẵn sàng chuyển giao quy trình sản xuất cho các đơn vị, tổ chức có nhu cầu.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh) là một trong những nơi tổ chức các hoạt động đều hướng đến hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ, đẩy mạnh, khai thác hiệu quả nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ trên địa bàn. Ngoài các sự kiện được tổ chức trực tiếp, nhiều hoạt động khác còn được triển khai trực tuyến trên sàn giao dịch công nghệ Techport.vn và Hệ thống liên kết nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ (STINET, http://www.stinet.gov.vn).

Bà Bùi Thanh Bằng, Giám đốc CESTI cho biết, CESTI còn những hoạt động khác như chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành (Techmart), chợ công nghệ và thiết bị thường xuyên (Techmart Daily), sự kiện hội thảo trình diễn công nghệ, sự kiện kết nối ý tưởng, sự kiện hợp tác công nghệ… đều hướng đến hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

“Trong các sự kiện này, CESTI giữ vai trò là đơn vị trung gian hỗ trợ kết nối và tư vấn hợp đồng chuyển giao công nghệ cho các bên. Đơn cử với những kết quả nghiên cứu phân hữu cơ nêu trên, CESTI đã góp phần kết nối nhóm nghiên cứu với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sớm triển khai sản xuất quy mô công nghiệp để đưa ra thị trường”, bà Bùi Thanh Bằng thông tin.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường kết nối đưa nghiên cứu khoa học vào thực tiễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.