Công nghệ

Các chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2024 truyền cảm hứng và tình yêu nghiên cứu khoa học

Thu Hằng. Ảnh BTC 07/12/2024 - 18:15

Được tổ chức ngay sau đêm công bố giải thưởng, buổi “Giao lưu cùng Chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2024” có ý nghĩa truyền cảm hứng đặc biệt tới công chúng khi các chủ nhân giải thưởng VinFuture 2024 chia sẻ về cuộc đời, động lực cũng như con đường đến với khoa học phụng sự nhân loại.

Tò mò, dấn thân và kiên trì theo đuổi đam mê

Chủ nhân của Giải Đặc biệt VinFuture 2024 dành cho Nhà khoa học nữ, Giáo sư Kristi S. Anseth (Mỹ) cho biết, con đường giáo dục của bà không bằng phẳng.

vih_8194.jpg
Giáo sư Kristi S. Anseth

Bà chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn xa xôi của nước Mỹ. Ở đó không có khu đô thị và cũng chẳng có các kỹ sư hóa học… Tôi may mắn khi có cơ hội gặp Giáo sư Leslie Leinwand. Bà là người dìu dắt và thúc đẩy tôi vào đại học. Tôi bắt đầu nghiên cứu trong lĩnh vực hóa học và rất quan tâm đến việc sử dụng kiến thức hóa học để cải thiện cuộc sống con người. Bởi vậy sau đó tôi chuyển sang lĩnh vực vật liệu y sinh để giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe con người.

Giáo sư Kristi S. Anseth đã tạo ra những tiến bộ trong thiết kế vật liệu polymer, không chỉ đặt nền móng cho các nghiên cứu nhằm duy trì và tái tạo mô mà còn được kỳ vọng tạo ra bước ngoặt trong lĩnh vực y học tái tạo. Theo đó, các vật liệu polymer sẽ được ứng dụng trong việc điều trị tổn thương mô, phục hồi chức năng, thậm chí tạo ra các cơ quan thay thế, giúp giảm nhu cầu cấy ghép vĩnh viễn thiết bị cứng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của hàng triệu người. “Khi có hứng thú với lĩnh vực nào thì quan tâm phát triển hơn nữa. Trong lĩnh vực vật liệu y sinh, chúng ta mới đang ở giai đoạn khởi đầu. Tương lai còn rất nhiều tiềm năng. Quan trọng là chúng ta luôn không ngừng học hỏi", Kristi S. Anseth nhắn nhủ.

nhan1471.jpg
Giáo sư Kristi S. Anseth

Là một người lính hải quân trước khi trở thành nhà khoa học, Giáo sư Carl H. June (Mỹ), chủ nhân của Giải Đặc biệt VinFuture 2024 dành cho Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới, chia sẻ: “Trong những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ XX, tôi là lính hải quân. Khi ta còn trẻ, thời học trung học hay đại học, ta không biết chắc là mình muốn gì nhưng ta cứ luôn sẵn sàng tìm cơ hội. Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ nghiên cứu liệu pháp tế bào CAR-T vì gia đình không ai nghiên cứu về vật lý y học. Nhưng cứ đi thôi, “nếu ta thấy một con đường thì cứ tiếp tục theo đuổi”. Thậm chí, 25 năm trước, ý tưởng của tôi còn bị coi là viển vông vì liên quan đến biến đổi gen, nhưng nhờ sự kiên trì và cẩn trọng, những điều kỳ diệu đã đến”.

nhan1532.jpg
Quang cảnh buổi giao lưu

Cùng quan điểm, GS.Michel Sadelain, đồng chủ nhân của Giải đặc biệt dành cho Nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực mới, cũng nhấn mạnh vai trò của sự tò mò trong khoa học: “Tôi từng không biết liệu mình có đi đúng hướng, nhưng tôi tò mò và dấn thân. Thành công đôi khi đến từ việc tái sáng tạo chính mình”.

Hai chủ nhân của Giải thưởng chính VinFuture 2024 cũng nhắn nhủ sinh viên: “Ai đó nói anh làm cái này cái kia đi. Đó là cái họ nghĩ. Làm theo chỉ dẫn của ai đó khác với việc theo đuổi tư duy của mình, theo sự thôi thúc từ bên trong mình. Nghiên cứu là tìm tòi. Có thể chưa ra ngay câu trả lời nhưng phải khám phá. Đừng ngần ngại xấu khổ khi giống ai, không giống người bên cạnh hay người mà bạn ngưỡng mộ” - GS. Yoshua Bengio (Canada) bày tỏ.

vih_8929.jpg
GS. Yann LeCun

Còn GS. Yann LeCun (Mỹ) thì quyết liệt: “Những gì theo xu hướng (trend) thì chỉ là đi theo thôi, sẽ không có đột phá. Muốn có đột phá phải nghĩ khác, làm khác. Những năm 1980 1990, lý thuyết học máy không có gì, không có sự khái quát hóa, không có bằng chứng cho thấy hệ thống hiệu quả, cũng không ai biết cách lập trình vì quá phức tạp. Trong cả chục năm tôi cứ tranh cãi giữa lý thuyết và thực tế. Lý thuyết nói không hiệu quả nhưng bằng chứng rõ ràng là có. Ta không nên quá tin vào lý thuyết vì nó sẽ giới hạn tư duy của ta. Thực tế có thể lật lại lý thuyết”.

Trước câu hỏi về động lực trở thành nhà khoa học, cả hai vị giáo sư đều nhấn mạnh tầm quan trọng của tư duy và sự tò mò. GS. Yann LeCun khuyến khích thế hệ trẻ: “Đừng ngại dấn thân vào những lĩnh vực khác biệt và phải có ước mơ để phát triển. Nhưng như tôi nói, sự trồi sụt trong nghiên cứu là có. Nên ta phải có động lực để luôn khởi động lại mối quan tâm”.

Làm sao để an toàn khi AI thông minh hơn con người?

Năng nay, Giải thưởng chính VinFuture 2024 được trao cho 5 nhà khoa học vì những đóng góp đột phá để thúc đẩy sự tiến bộ của Học sâu, thúc đẩy sự bùng nổ của kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI).

Chia sẻ qua clip gửi tới buổi giao lưu, đồng chủ nhân của Giải thưởng chính VinFuture 2024, GS. Geoffrey Hinton (Canada) cho biết, trong tương lai, AI sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn trong cuộc sống. Trong lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, AI có thể thiết kế loại thuốc mới hoặc chẩn đoán chính xác hơn. AI cũng rất hữu ích trong việc dạy học cá nhân hóa. Theo dữ liệu, khi trẻ em có gia sư riêng, tốc độ học sẽ tăng gấp đôi so với học trong lớp... “Hiện tại, khi muốn biết điều gì, tôi thường hỏi GPT-4 và nhận được câu trả lời rất tốt” - GS. Geoffrey Hinton thổ lộ. Tuy nhiên, ông có nói đến vấn đề đạo đức AI.

nhan1818.jpg
Hai chủ nhân của Giải thưởng chính VinFuture 2024

Như GS. Yoshua Bengio cảnh báo: “Nếu chúng ta lập trình AI để bảo vệ lợi ích của chính nó, AI có thể hành xử theo cách không mong muốn. Đây là một thách thức lớn cần được giải quyết kỹ lưỡng”. Hiện tại vấn đề kiểm soát AI chưa có câu trả lời.

vih_9280.jpg
GS.Geoffrey Hinton chia sẻ qua clip

Theo GS.Geoffrey Hinton, dừng phát triển không phải là một lựa chọn để bảo đảm an toàn khi AI trở nên thông minh hơn con người. “Tôi lo ngại nhưng không nghĩ ‘ngày tận thế’ là không thể tránh khỏi. Dù vậy, chúng ta không thể bỏ qua các khả năng và cần làm việc cật lực để ngăn chặn điều đó. Hy vọng rằng những sinh viên tài năng nhất sẽ chọn nghiên cứu về an toàn AI, tìm cách làm cho nó an toàn hơn và giải quyết các mối đe dọa đa dạng, từ đe dọa dài hạn là AI chiếm quyền kiểm soát cho đến mối đe dọa ngắn hạn như tội phạm mạng.

Bảo đảm an toàn khi AI ngày càng thông minh hơn con người, GS. Yann LeCun lạc quan: “AI chỉ là một công cụ. Chẳng hạn như ta có thể mua một món đồ chơi nhỏ chơi cờ với ta và có khi ta thua. Vậy thì việc đó nguy hiểm không? Không. Chỉ nguy hiểm khi ta đưa động lực gì cho AI. Hiện AI chưa có động lực. AI mới có tri thức, chưa có động lực. Thế nên ta phải tạo ra động lực tích cực, đóng góp cho cộng đồng. Chúng ta cần định hướng AI để phục vụ con người”.

Và ông nhắn nhủ với các bạn sinh viên: Những thập kỷ tới sẽ là thời đại của robot và AI. Sinh viên cần tận dụng AI để làm việc thông minh hơn, đồng thời học cách hiểu sâu các vấn đề thay vì chỉ dựa vào câu trả lời sẵn có. “Hãy tìm cách ứng dụng AI vào cuộc sống thực tế. Khoa học cần phục vụ cộng đồng, và các bạn chính là những người thực hiện điều đó” - GS. Yoshua Bengio cũng bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2024 truyền cảm hứng và tình yêu nghiên cứu khoa học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.