Công nghệ

Việt Nam thúc đẩy nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình

Thu Hằng 04/07/2024 - 19:45

Chiều 4-7, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức họp báo thường kỳ quý II-2024.

giang1.jpg
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang chủ trì họp báo. Ảnh: BTC

Về công tác xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tập trung xây dựng, hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; đề nghị xây dựng: Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Bộ ban hành theo thẩm quyền 3 thông tư: Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; Thông tư số 03/2024/TT-BKHCN quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2; Thông tư số 04/2024/TT-BKHCN quy định quản lý Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030.

Ngoài ra, Bộ ban hành Quyết định số 1290/QĐ-BKHCN về việc hướng dẫn một số nguyên tắc về nghiên cứu, phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm nhằm hướng đến một xã hội lấy con người làm trung tâm, mọi người được hưởng những lợi ích từ các hệ thống trí tuệ nhân tạo, bảo đảm sự cân bằng hợp lý giữa lợi ích và rủi ro của các hệ thống trí tuệ nhân tạo...

tran-chi-thanh.jpg
Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam Trần Chí Thành (trái) trả lời tại họp báo. Ảnh: BTC

Tại họp báo, trả lời câu hỏi về kế hoạch triển khai Dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân với lò phản ứng nghiên cứu mới tại Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình theo Bản ghi nhớ giữa Tổng Giám đốc Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết: Hiện nay, Việt Nam và Nga đang hợp tác triển khai Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân với lò phản ứng nghiên cứu mới với công suất 10MW, thay thế lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.

Dự án đã triển khai thiết kế lò phản ứng và khảo sát địa điểm phù hợp. Lò nghiên cứu mới có nhiệm vụ hướng sản xuất dược chất phóng xạ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng là để điều trị bệnh ung thư và chẩn đoán điều trị ung thư, vì mỗi năm có khoảng 180.000 người bị ung thư, trong khi hiệu suất, hiệu quả chữa trị ung thư của Việt Nam mới chỉ đạt 40% (thế giới khoảng 70%). Ngoài ra, còn triển khai chiếu xạ pha tạp silic bằng neutron để sản xuất chất bán dẫn trong công nghệ sản xuất chip, thực hiện các nghiên cứu trong lĩnh vực chuyển hóa vật liệu, khoa học vật liệu, các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng về vật lý hạt nhân...

Hiện nay, hai bên đã thống nhất với nhau cách làm việc, hình thành các nhóm, chuyên gia theo từng lĩnh vực, như nhóm chuyên môn sâu về vật lý lò, thiết kế sử dụng kênh ngang, sản xuất đồng vị phóng xạ trên lò nghiên cứu, nghiên cứu vật liệu, chiếu xạ silic làm bán dẫn, nghiên cứu phân tích kích hoạt, bảo vệ môi trường, an toàn hạt nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam thúc đẩy nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.