Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường đối thoại, giải quyết nguyện vọng chính đáng của nhân dân

Nhóm PV Nội chính| 23/08/2016 20:57

(HNMO) - Ngày 23-8, các đoàn giám sát của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện cải cách hành chính, việc nâng cao tinh thần, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục làm việc tại các địa phương, sở, ngành.


Đoàn giám sát số 1 do UVTƯ Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng làm Trưởng đoàn đã làm việc với huyện Phúc Thọ. Từ ngày 1-1-2015 đến tháng 7-2016, bộ phận “một cửa” cấp huyện đã tiếp nhận 5.488 hồ sơ, trong đó, số hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 95,6%; chỉ có 0,15% hồ sơ quá hạn. Số hồ sơ còn lại đang trong thời hạn giải quyết. Bộ phận “một cửa” cấp xã, thị trấn tiếp nhận 107.759 hồ sơ, trong đó số hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,91%.


Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng giám sát công tác CCHC tại huyện Phúc Thọ


Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận sự nỗ lực của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện trong công tác CCHC, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, có nhiều cách làm mới, đạt kết quả toàn diện. Tiêu biểu là huyện đã ban hành các văn bản cụ thể hóa chương trình công tác của Thành ủy về CCHC; triển khai đồng bộ gắn với Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị và duy trì đối thoại giữa lãnh đạo c-ấp huyện với cấp xã. Huyện ủy ban hành 20 văn bản, giảm nhiều thủ tục hành chính (TTHC) và đặc biệt là công khai văn bản theo đúng quy trình, giải quyết TTHC đúng hẹn đạt tỷ lệ cao. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đánh giá cao sự nỗ lực của huyện trong việc tạo điều kiện, thu hút ba doanh nghiệp đầu tư chế biến, tiêu thụ nông sản, qua 6 tháng đầu năm. Đây là nội dung khó trong Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy, đồng thời là tinh thần chỉ đạo của Thành ủy về khuyến khích các huyện thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp có tiềm lực để bao tiêu, chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân.

Qua trực tiếp kiểm tra tại bộ phận “một cửa” của huyện, xã Thọ Lộc và tìm hiểu tình hình tại Công ty Ba Huân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý, một số đơn vị chậm xây dựng kế hoạch thực hiện CCHC; kỹ năng xử lý công việc của một số công chức, đặc biệt là công chức cấp xã còn hạn chế. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu, huyện cần tiếp tục xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, bảo đảm 3 mục tiêu mà Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy đã đề ra, tạo sự chuyển biến mạnh từ huyện đến xã; rà soát, tinh giảm tổ chức bộ máy, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong dịch vụ công; phấn đấu đến năm 2020 tinh giản 10% biên chế theo kế hoạch, đồng thời bố trí rõ người, rõ việc, rõ hiệu quả; tăng cường kiểm tra giám sát, nâng cao hơn nữa vai trò giám sát, phản biện của MTTQ và các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, tăng cường đối thoại với người dân từ huyện tới xã; cán bộ, công chức, viên chức gần dân, sát dân, giải quyết kịp thời nguyện vọng chính đáng của dân. Huyện quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ các phòng, ban, nhất là bộ phận “một cửa”, để tiếp tục nâng cao hiệu quả CCHC.

* Cùng ngày, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn, Trưởng đoàn giám sát số 3 đã dẫn đầu Đoàn giám sát làm việc với Sở LĐ-TB&XH. Sau khi kiểm tra thực tế tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, bộ phận “một cửa” của Sở LĐ-TB&XH và làm việc với Sở, Đoàn giám sát ghi nhận Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở LĐ-TB&XH luôn thống nhất chỉ đạo, đôn đốc đẩy mạnh công tác CCHC. Sở đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho bộ phận "một cửa". Các cán bộ chuyên trách đều có trình độ, năng lực, am hiểu chuyên môn nghiệp vụ. Qua đó, ý thức trách nhiệm phục vụ của CBCCVC được nâng cao, thời gian giải quyết nhiều TTHC được rút ngắn. Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ rõ, hiện tổng số cán bộ của Sở là 3.040 người, trong đó, số 1.547 lao động hợp đồng là quá nhiều so với số công chức (146 người) và số viên chức (1.347 người). Đoàn cũng nêu qua thực tế kiểm tra tại một số quận, huyện có phản ánh về tình trạng một số TTHC liên thông thuộc lĩnh vực LĐ-TB&XH bị chậm, muộn; một số quy định thuộc mảng chính sách người có công còn chưa phù hợp...

Kết luận cuộc làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn khẳng định, công tác CCHC phải luôn có sự tìm tòi, đổi mới. Do đó, Sở LĐ-TB&XH cần chủ động xác định mục tiêu, nhiệm vụ, đề ra giải pháp rất cụ thể cho từng loại việc, từng giai đoạn và từng bộ phận, xem đó là một trong những yêu cầu trong thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị cũng như người đứng đầu từng bộ phận. Đặc biệt, phải coi trọng và quan tâm việc giải quyết TTHC liên thông cấp huyện, cấp xã, bảo đảm nhanh, thông thoáng, nâng cao ý thức của người thực thi công vụ. Trong sử dụng biên chế, cần căn cứ trên cơ sở đề án vị trí việc làm của Sở để xác định số lượng người lao động cho đúng. Trưởng đoàn giám sát số 3 cũng yêu cầu Sở quan tâm xây dựng môi trường làm việc văn minh, hiện đại; chú trọng biểu dương "Người tốt, việc tốt" để khơi dậy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức.

* Ngày 23-8, Đoàn giám sát số 6 do UVTV, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Huy làm Trưởng đoàn đã làm việc tại huyện Phú Xuyên. Thực hiện Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Huyện ủy Phú Xuyên đã ban hành Chương trình số 03-CTr/HU về “Đẩy mạnh cải cách TTHC, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ CBCCVC giai đoạn 2016-2020”. Từ tháng 1-2015 đến tháng 7-2016, bộ phận "một cửa" của huyện đã niêm yết 187 TTHC thuộc 15 lĩnh vực quản lý mức độ 2 theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008; UBND huyện đã tiếp nhận và giải quyết 7.218 hồ sơ, trong đó giải quyết đúng hạn 7.074 hồ sơ, đạt tỷ lệ 98%. Đối với các xã, thị trấn đã tiếp nhận giải quyết 67.518 hồ sơ hành chính, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,5%.

Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Huy đã ghi nhận những kết quả huyện Phú Xuyên đạt được trong công tác CCHC. Trưởng đoàn giám sát đề nghị trong thời gian tới, huyện Phú Xuyên cần rà soát, loại bỏ những TTHC không cần thiết; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC; đồng thời xây dựng lộ trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

* Đoàn giám sát số 8 do UVTV, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Lan Hương dẫn đầu đã làm việc tại huyện Thường Tín.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Lan Hương yêu cầu huyện Thường Tín tiếp tục hoàn thiện báo cáo về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện CCHC; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra công tác CCHC, giải quyết TTHC tại các xã, thị trấn. Trong quá trình đánh giá, rút kinh nghiệm cần nêu rõ địa chỉ, cá nhân vi phạm; quan tâm đến việc xử lý vấn đề “nóng” và việc lấy ý kiến người dân về thái độ, trách nhiệm của cán bộ, công chức thực thi công vụ. Với cơ sở vật chất hiện có, huyện và các xã, thị trấn cần đầu tư, sắp xếp, bố trí khoa học, văn minh các bảng, biểu hướng dẫn... Do phần mềm hiện có không kiểm soát được đường đi của văn bản, nên việc xác định, kiểm soát chất lượng, tiến độ giải quyết các văn bản, kiến nghị, giấy tờ của người dân cần được tăng cường, bảo đảm kết nối tốt với các phòng chuyên môn, đẩy nhanh tiến trình xử lý hồ sơ, trả kết quả nhanh, công khai, minh bạch. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật phải thường xuyên, kiên trì để người dân hiểu rõ tính ưu việt, cùng hợp tác, ủng hộ công tác CCHC.

* Đoàn giám sát số 7 do UVTV, Trưởng ban Tuyên giáo Nguyễn Văn Phong làm Trưởng đoàn đã làm việc tại huyện Ứng Hòa.

Đánh giá cao nỗ lực và những kết quả bước đầu về thực hiện CCHC của huyện, Trưởng đoàn giám sát số 8 yêu cầu huyện Ứng Hòa cần phân tích, đánh giá về công tác này một cách khách quan để có nhận thức sâu sắc hơn về CCHC, từ đó có sự đổi mới hơn nữa trong thời gian tới. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh. Lãnh đạo huyện cần phân công và có kế hoạch kiểm tra, giám sát cụ thể. Để CCHC đạt được kết quả cao hơn nữa trong thời gian tới, huyện Ứng Hòa cần quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ; đẩy mạnh xã hội hóa một số lĩnh vực dịch vụ công; tăng cường vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể. Ứng Hòa cũng cần đầu tư, khai thác hiệu quả hơn nữa cổng thông tin điện tử của huyện giúp người dân hiểu hơn về CCHC và để cổng thông tin điện tử thực sự là công cụ hữu hiệu cho CCHC.

* UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu, Trưởng đoàn giám sát số 10 đã làm việc với lãnh đạo huyện Đông Anh.

Trưởng đoàn giám sát số 10 nhấn mạnh, Đông Anh là huyện có diện tích rộng, với nhiều doanh nghiệp và nằm trong vùng quy hoạch phát triển đã được Chính phủ và thành phố phê duyệt. Đông Anh cũng là địa phương đã được thành phố chọn làm thí điểm thực hiện dịch vụ công mức độ 3. Vì vậy, công tác CCHC cần được huyện coi trọng và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Để làm tốt hơn nữa công tác CCHC, huyện Đông Anh cần xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp liên thông giải quyết các công việc của tổ chức, cá nhân theo hướng đơn giản hóa thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết; Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện quy chế hoạt động của các đơn vị trong cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã nhằm đáp ứng yêu cầu của CCHC; Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường đối thoại, giải quyết nguyện vọng chính đáng của nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.