(HNMO) - UBND thành phố Hà Nội ban hành Báo cáo số 116/BC-UBND (ngày 5-5-2021) về kết quả thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26-5-2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật được các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố quan tâm, triển khai bằng nhiều hình thức phù hợp, giúp người tiêu dùng tự nhận biết bảo vệ quyền lợi, cảnh giác đối với các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, các sản phẩm không minh bạch về nguồn gốc.
Các doanh nghiệp đã quan tâm, nhận thức rõ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của mình để có nhiều hoạt động, biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Mặt khác, các sở, ngành thường xuyên rà soát, nghiên cứu hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nhất là trong quá trình hội nhập quốc tế và triển khai các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, hiệp định khuyến khích bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký kết và tham gia; cũng như chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng…
Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn tồn tại trên địa bàn thành phố. Trong khi cán bộ thực hiện công tác bảo vệ người tiêu dùng còn thiếu, trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa sâu, một bộ phận người tiêu dùng còn dễ dãi, chưa có ý thức phối hợp với các ngành chức năng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nhằm đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP, thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định có liên quan đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn; xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, gắn với trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời mọi hành vi vi phạm; tiếp tục kiểm tra, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, kịp thời kiến nghị cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản về chính sách bảo vệ người tiêu dùng phù hợp với chính sách của Chính phủ và tình hình thực tế của địa phương.
UBND thành phố cũng đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu bãi bỏ mẫu hợp đồng mua bán điện sinh hoạt. Đồng thời, sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do một số quy định hiện nay chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh - tiêu dùng có tính truyền thống; nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới xuất hiện chưa được bổ sung vào phần hành vi cấm hoặc nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.