(HNM) - Một trong những nhiệm vụ của “Năm dân vận chính quyền 2019” được thành phố Hà Nội chỉ rõ là cần tăng cường hơn nữa việc công khai, minh bạch công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền.
Thực tế, không ít vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp xuất phát từ sự thiếu minh bạch, ít giải trình ngay từ cơ sở. Đây là vấn đề được Chính phủ chỉ đạo cần khắc phục trong năm 2019 và đã được cụ thể hóa trong định hướng công tác năm của thành phố Hà Nội. Vì vậy, ngay từ đầu năm, lãnh đạo các cấp đã rất chú trọng công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, riêng trong tháng 4 vừa qua, thành phố đã tổ chức tiếp 487 lượt (710 công dân), trong đó, lãnh đạo UBND thành phố đã trực tiếp tiếp 39 lượt (263 công dân), giải quyết 15 đoàn khiếu kiện đông người và tiếp nhận mới 1.092 đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Tại các quận, huyện, thị xã, công tác tiếp, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã và đang tiếp tục được chú trọng, dần đi vào nền nếp. Như ở quận Ba Đình, Chánh Văn phòng Quận ủy Phạm Thị Diễm cho biết, trong quý I-2019, cơ quan tiếp công dân của quận và các phường đã tiếp 358 lượt công dân, trong đó riêng lãnh đạo quận tiếp 14 buổi với 78 lượt công dân, giải quyết 26 vụ khiếu nại, tố cáo... Song so với yêu cầu, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tế cũng như mong muốn của nhân dân.
Bên cạnh đó, việc công khai, minh bạch các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương, ngành còn chậm hoặc chưa đầy đủ, chưa có sự thống nhất. Việc giải quyết một số vụ việc đã thanh tra, kiểm tra chưa dứt điểm. Điều này dẫn đến tâm lý băn khoăn trong dư luận, gây khiếu kiện kéo dài.
Chính vì vậy, tăng cường công khai, minh bạch là việc cần làm ngay, vừa để phục vụ công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, vừa ngăn ngừa những tiêu cực có thể phát sinh khiếu kiện. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo, thời gian tới, chính quyền các cấp phải tạo điều kiện để các ban thanh tra nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát hoạt động từ cơ sở. Nội dung giám sát gồm những việc rất sát với quyền lợi người dân, như: Công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường…
Bên cạnh việc tăng cường các kênh tiếp nhận thông tin, nắm bắt ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân đối với chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính, công chức, viên chức, Chủ tịch UBND thành phố còn yêu cầu, các địa phương phối hợp chặt chẽ với Thanh tra thành phố, Ban Tiếp công dân thành phố rà soát, báo cáo lãnh đạo UBND thành phố tổ chức tiếp công dân nhằm giải quyết dứt điểm kiến nghị, bức xúc của công dân về những việc liên quan đến quyền lợi của người dân, như việc đầu tư các chợ, các dự án môi trường, giải phóng mặt bằng...
“Dân vận chính quyền” không gì khác là tạo điều kiện để người dân giám sát hoạt động của chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Việc giám sát không chỉ thúc đẩy ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức mà còn góp phần phát hiện những tồn tại, hạn chế, qua đó giúp đỡ chính quyền điều chỉnh, khắc phục.
Vì vậy, lãnh đạo thành phố Hà Nội quyết tâm thực hiện đúng, đủ các nội dung công khai, phát huy dân chủ, tạo môi trường, điều kiện để người dân thực hiện tốt các quyền được biết, được bàn, được tham gia ý kiến, được giám sát, được quyết định đối với các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.