Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tán thành sự tham gia của VKS vào các phiên tòa dân sự

Vân An| 22/03/2011 11:52

(HNMO) – Sáng 22/3, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự.


Trước khi thảo luận, các đại biểu đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự của Ủy ban Thường vụ QH.

Theo UBTVQH, dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này gồm 02 điều, trong đó Điều 1 sửa đổi, bổ sung 49 Điều, bổ sung mới 12 Điều, quy định bãi bỏ 8 Điều của BLTTDS hiện hành; bổ sung một Chương quy định về “Thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân dân tối cao” và Điều 2 quy định về hiệu lực thi hành của Luật.

Cần sự can dự của VKS trong phiên tòa dân sự

Các quy định liên quan đến vai trò của kiểm sát viên tại phiên tòa “nóng” trong kỳ họp trước đã được Ban soạn thảo tiếp thu, điều chỉnh trong dự thảo luật mới trình Quốc hội khóa 9. Theo đó, trong phiên tòa, phiên họp sơ thẩm, Kiểm sát viên phát biểu quan điểm về việc tuân theo pháp luật về tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng; trong phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, Kiểm sát viên ngoài việc phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng, còn phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án của Tòa án, đồng thời bảo vệ kháng nghị trong trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát có kháng nghị.

Về việc quy định Viện kiểm sát có tham gia tất cả các phiên tòa, phiên họp hay chỉ tham gia khi xét thấy cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng phải căn cứ vào yêu cầu công việc, điều kiện thực tiễn của ngành kiểm sát và tính chất, đối tượng của vụ án dân sự. Do đó, dự thảo Luật quy định theo hướng mở: “Viện kiểm sát tham gia các phiên tòa, phiên họp sơ thẩm của Tòa án khi xét thấy cần thiết”.

Hướng mở trong quy định trên được đại biểu Phạm Xuân Thường – Thái Bình cho rằng, không nên giao cho VKSNDTC hướng dẫn những vụ việc nào cần hay không cần thiết VKS tham gia, mà nên quy định rõ, VKS chỉ tham gia những vụ việc tố tụng dân sự.

Băn khoăn về việc nếu quy định VKS tham gia phiên tòa được đưa vào luật thì có đủ lực lượng kiểm sát viên để đáp ứng yêu cầu hay không đã được ông Trần Quốc Vượng, Viện trưởng VKSNDTC giải tỏa: “VKS nếu đã được giao thì sẽ quyết tâm thực hiện”.

Theo đại biểu Vượng, quan điểm “việc dân sự cốt ở hai bên” là đúng nhưng phải tuân theo pháp luật, truyền thống pháp lý của dân tộc và cần quán triệt thêm quan điểm “việc dân sự cốt ở yên dân”. Xử lý dân sự mà dân kêu nhiều là dân chưa yên tâm.

Đại biểu Vượng cũng tán thành việc không đưa cơ chế tùy nghi về vai trò của VKS tham gia phiên tòa mà nên đưa cơ chế bắt buộc, VKS có mặt trong tất cả các vụ án sơ thẩm dân sự.

Chung quan điểm, các đại biểu Nguyễn Minh Thuyết – Lạng Sơn, Nguyễn Ngọc Đào – Hà Nội, Lê Văn Cuông – Thanh Hóa cũng nhất trí, nếu “Việc dân sự cốt ở hai bên” mà không cần vai trò của VKS là không hợp lý, bởi hai bên không thỏa thuận được với nhau mới phải ra tòa, khi đã tố tụng thì không thể thiếu vai trò của Nhà nước, do đó cần sự can dự của VKS.

“Chúng ta cần vai trò VKS để đảm bảo sự xét xử công minh của tòa án”, đại biểu Thuyết nói.

Đại biểu Đào đặt ra thêm vấn đề VKS sẽ can dự như thế nào: với tính chất can thiệp hay là giải thích, bổ sung thêm hay ngăn ngừa, xem xét, lật lại vụ án?

“Cần cụ thể hơn về việc này và làm rõ, việc can dự này không làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân”, đại biểu Đào đề nghị.

Đại biểu Lê Văn Cuông đề xuất thêm, có thể ở cấp xét xử sơ thẩm chưa cần sự can dự của VKS. Nếu bản án sơ thẩm có khiếu nại thì VKS mới vào cuộc.


Đại biểu Trần Đình Nhã – Bà Rịa Vũng Tàu cũng cho rằng, Việt Nam nên cố gắng hòa nhập dần với thế giới, đã có tòa án rồi mà VKS can dự đến mức sâu như người tiến hành tố tụng thì những người tham gia vụ án vừa phải lo thuyết phục tòa, vừa lo thuyết phục viện. Về lâu dài cần xem xét vai trò của VKS trong tố tụng dân sự, can thiệp càng ít càng tốt.

Chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Đăng Trừng – TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, VKS tham gia phiên tòa xét xử vụ án dân sự mục đích quan trọng nhất vẫn là đảm bảo nguyên tắc tôn trọng sự định đoạt của các bên đương sự. Việc một số vụ án được tòa xét xử thiếu khách quan ko phải do thiếu VKS mà do chất lượng xét xử.

“VKS tham gia vụ án dân sự là kiểm sát việc tuân thủ pháp luật trong vụ án. Sau này, khi chất lượng xét xử đảm bảo thì chúng ta không cần đến VKS nữa”, đại biểu Trừng nói.

Cân nhắc quy định tòa án được hủy bỏ các quyết định trái luật của cơ quan, tổ chức

Dự thảo Luật sửa đổi cho phép Tòa án có thẩm quyền hủy quyết định trái pháp luật của cơ quan, tổ chức (khoản 7 Điều 1 dự thảo Luật bổ sung Điều 32a). Giải trình quy định này, UBTVQH cho biết, thực tiễn thi hành BLTTDS cho thấy trong quá trình xét xử vụ án dân sự, có những quyết định của cơ quan, tổ chức khác liên quan đến vụ án rõ ràng trái pháp luật, nếu Tòa án chỉ có quyền kiến nghị hủy bỏ thì Toà án phải dừng việc giải quyết vụ án và chờ cơ quan, tổ chức khác xem xét huỷ bỏ quyết định trái pháp luật sau đó việc giải quyết vụ án mới được tiếp tục. Việc BLTTDS năm 2004 bỏ quy định về thẩm quyền này của Tòa án đã gây trở ngại cho hoạt động xét xử và không bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự trong trường hợp quyết định của cơ quan, tổ chức khác rõ ràng trái pháp luật nhưng không được hủy bỏ. Do đó, dự thảo Luật đã bổ sung quy định này nhằm tháo gỡ vướng mắc đáp ứng yêu cầu thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự.

Tuy nhiên, khi thảo luận, một số đại biểu đề nghị nên cân nhắc quy định này. Theo đại biểu Trần Đình Nhã- Bà Rịa – Vũng Tàu, quy định này lợi bất cập hại, không nên đưa vào.

Đại biểu Trần Quốc Vượng, Viện trưởng VKSND Tối cao cũng nhất trí phải cân nhắc kỹ quy định này. Hiện nay chúng ta đã có tòa hành chính, luật tố tụng hành chính, việc hủy bỏ quyết định hành chính nên thuộc thẩm quyền của các cơ quan này.

Đại biểu Phạm Xuân Thường – Thái Bình cũng đề nghị không nên đưa quy định này vào luật. Trường hợp cần thiết phải quy định thì cần quy định rõ, các quyết định áp dụng pháp luật thì thuộc thẩm quyền hủy bỏ của tòa án nếu quyết định đó trái pháp luật.

VKS tham gia các phiên tòa tố tụng dân sự là phù hợp pháp luật


Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình thay mặt Ban soạn thảo đã có giải trình thêm. Chánh án cho biết, VKS có chức năng thực hành công tố và chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp, trong đó có các hoạt động tố tụng. Do đó, việc VKS tham gia các phiên tòa tố tụng dân sự là phù hợp, nhưng tham gia mức độ nào thì cần cân nhắc. Nếu luật không có quy định mở thì việc VKS tham gia vụ án dân sự mà không làm ảnh hưởng đến Tòa án là rất khó.

Về thẩm quyền hủy bỏ của tòa án với quyết định của các cơ quan nhà nước và tổ chức trái pháp luật, Chánh án cho biết, về nguyên lý, Tòa án là cơ quan xét xử duy nhất, xét xử 2 cấp nên nếu thấy quyết định trái pháp luật thì có quyền hủy, trừ quyết định của Thủ tướng. Việc quyết định thế nào là sai thì có thể qua xử lý hồ sơ, thu thập chứng cứ, tranh luận tại tòa… Nếu không đưa quy định này vào luật thì thực tiễn xét xử thời gian qua cho thấy, khi Tòa án có ý kiến nhưng cơ quan, tổ chức không thực hiện hoặc chậm thực hiện thì bản án nhiều khi không thể có hiệu lực.

“Cấp sơ thẩm phải có quyền hủy. Vấn đề có nên phân ra thẩm quyền không thì Ban soạn thảo sẽ xem xét”, Chánh án nói.

Về băn khoăn của một số đại biểu với cơ chế đặc biệt có làm tăng khiếu kiện hay không, Chánh án khẳng định, đây là cơ chế đặc biệt để giải quyết, xem lại những quyết định của Hội đồng thẩm phán TANDTC để chính hội đồng này sửa sai quyết định của mình chứ không phải cấp tối cao nào khác và tất cả đều được thực hiện theo quy trình chặt chẽ. Cơ chế này phù hợp trong tình hình hiện nay, đến khi chúng ta có đội ngũ thẩm phán tốt, dân trí được nâng cao… đảm bảo việc xét xử chắc chắn tốt và tòa án thực sự là biểu tượng của công lý thì lúc đó lại sửa luật.

“Chất lượng tòa án đã được nâng cao nhưng vẫn còn yếu kém, cần giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, đề cao tranh tụng và cần cơ chế đặc biệt này để đảm bảo đúng công lý”, Chánh án nói

Theo chương trình, dự luật này sẽ được các đại biểu biểu quyết thông qua vào ngày 29/3 tới, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tán thành sự tham gia của VKS vào các phiên tòa dân sự

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.