(HNM) - Trong 5 năm trở lại đây, hệ thống ngân hàng (NH) của Việt Nam không ngừng phát triển về số lượng và các hình thức dịch vụ. Điều đó có vai trò, ý nghĩa rất to lớn trong sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hệ thống NH cũng bộc lộ những mặt tiêu cực, hạn chế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đáng lo ngại.
Hệ thống NH của nước ta tuy không ít về số lượng nhưng phần nhiều còn nhỏ bé, sức cạnh tranh rất thấp, nhất là đối với các NH nước ngoài. Đặc biệt là hệ số an toàn tối thiểu (CAR) chưa cao. Cơ chế hoạt động của các NH còn có sự chồng chéo, thiếu rõ ràng. Sổ sách thiếu minh bạch, có nhiều sơ hở cho việc tham nhũng, trục lợi, thậm chí có thể dẫn đến việc "làm giàu trên lưng nhau". Do những nguyên nhân chủ quan trên và nguyên nhân khách quan của nền kinh tế, nợ xấu của ngành NH hiện đã lên tới 8,6% tổng dư nợ, trong đó nợ mất vốn theo ước tính có thể tới 50%. Đây là một tỷ lệ chưa đến mức mất kiểm soát nhưng đã tới giới hạn cần cảnh báo.
Trước những nguy cơ trên, việc tái cấu trúc hệ thống NH được triển khai từ giữa năm 2011 đến nay là một chủ trương đúng đắn, được đa số chuyên gia kinh tế, tài chính, tín dụng và nhân dân ủng hộ. Tái cấu trúc ngân hàng là công việc khó khăn, tốn không ít thời gian, bao gồm nhiều việc trong đó phát hiện, loại bỏ những người làm trái các quy định của pháp luật, thoái hóa biến chất chỉ là một việc. Mục đích cao nhất của tái cấu trúc là hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động của hệ thống NH, xử lý nghiêm các sai phạm pháp luật, nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn hệ thống, từng bước xây dựng hệ thống NH thành một công cụ tín dụng quan trọng bậc nhất của quốc gia.
Muốn như vậy, phải kiên quyết xử lý các sai phạm trong hoạt động NH, loại khỏi hệ thống này những người không đủ năng lực, phẩm chất, xóa dần tình trạng yếu kém của một số NH thương mại cổ phần… theo một lộ trình đã vạch sẵn. Trong quá trình thực hiện, phát lộ tình trạng một số người có vị trí quan trọng ở một số NH đã tìm cách thâu tóm trái phép các NH, có ý làm trái các quy định của pháp luật, luân chuyển đồng vốn chồng chéo giữa các NH để hưởng lợi (huy động vốn của người dân rồi gửi số vốn đó ở NH, có lãi suất tiền gửi cao hơn để hưởng lãi chênh lệch). Việc khởi tố của cơ quan điều tra đối với các ông Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang vừa qua và trước đó là ông Nguyễn Đức Kiên, Lý Xuân Hải là với lý do đó.
Việc có chấn động, thay đổi nhân sự nhất là khởi tố những nhân vật từng giữ các vị trí chủ chốt đối với một số NH về hành vi làm trái pháp luật liên quan đến tiền tệ là một việc nhạy cảm. Không chỉ nước ta, mỗi khi có một sự việc như thế xảy ra, hàng nghìn người có tiền gửi tại NH sẽ không tránh khỏi trạng thái tâm lý hoang mang, lo lắng và điều này là hoàn toàn chính đáng. Nhưng không vì việc đó mà các cơ quan chức năng không thực hiện nghiêm minh pháp luật. Mặt khác, ngành ngân hàng cũng đã chủ động trước mọi biến động xấu, trước các âm mưu tung tin đồn nhảm và tâm lý của người gửi tiền để bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ.
Những ngày qua, hoạt động của NH Á Châu (ACB) nói riêng và hệ thống các NH nói chung diễn ra bình thường. Điều đó cho thấy, khi minh bạch các thông tin, rõ ràng quan điểm, chủ trương chỉ đạo cùng với việc nghiêm túc thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng; Người dân không còn bị ảnh hưởng hoặc bị lợi dụng bởi tình trạng "tâm lý đám đông", đồng thời hoàn toàn tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, cũng như hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật và hệ thống ngân hàng.
Theo một quan chức, việc tái cấu trúc NH vẫn đang triển khai theo đúng tiến độ và dự kiến đến hết năm 2013 sẽ sắp xếp xong các NH thương mại cổ phần yếu kém. Trong quá trình đó, có thể có những sự việc nhạy cảm khác xảy ra. Vững tin vào Nhà nước, cảnh giác trước các thông tin trái chiều, đó là con đường đúng nhất để vừa ích nước, vừa lợi nhà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.