(HNM) - Căng thẳng giữa hai nước láng giềng Sudan và Nam Sudan về biên giới và nguồn lợi từ dầu mỏ cũng như những cáo buộc ủng hộ các nhóm vũ trang chống phá lẫn nhau đang ngày một gia tăng, khiến dư luận lo ngại về nguy cơ xảy ra chiến tranh.
Mọi nguồn cơn bắt nguồn từ dầu mỏ khi Nam Sudan tách khỏi Sudan và tuyên bố độc lập ngày 9-7-2011. Từ đó đến nay, hai bên vẫn chưa nhất trí về nhiều vấn đề, đặc biệt là tranh chấp khu vực Abyei nhiều dầu mỏ nằm giữa hai nước và phân chia nguồn thu từ dầu mỏ. Phần lớn trữ lượng dầu và khu vực sản xuất dầu nằm ở Nam Sudan, nhưng các cơ sở hạ tầng quan trọng phục vụ ngành công nghiệp này như đường ống, các nhà máy hóa dầu và cảng xuất khẩu ở biển Đỏ lại nằm trên phần lãnh thổ Sudan và Nam Sudan phải trả chi phí để sử dụng các cơ sở hạ tầng ấy. Theo tinh thần Hội nghị cấp cao khu vực tổ chức ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia nhằm tìm giải pháp cho cuộc tranh chấp dầu lửa giữa Sudan và Nam Sudan, Tổng thống hai nước dự kiến ký hiệp định khung, theo đó, Juba sẽ trả cho Khartoum 4 tỷ USD và bơm 35.000 thùng dầu thô/ngày đến các nhà máy lọc dầu ở miền Bắc và Sudan cho phép Nam Sudan sử dụng cơ sở hạ tầng của nước này để xuất khẩu dầu lửa. Nhưng Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir đã từ chối ký hiệp định này.
Tranh chấp nguồn lợi từ dầu mỏ khiến mâu thuẫn giữa hai nước láng giềng Sudan và Nam Sudan ngày một căng thẳng. |
Theo chính quyền Sudan, nước này đã bị mất 3/4 tổng sản lượng dầu mỏ vào Nam Sudan, khiến ngân sách năm 2011 bị thâm hụt nghiêm trọng và nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, Nam Sudan tố cáo Sudan hậu thuẫn cho các lực lượng phiến quân gây bất ổn tại khu vực biên giới giữa hai nước, nhất là khu vực giàu dầu mỏ Abyei.
Tại các bang có nhiều dầu mỏ nằm trên biên giới hai nước như Nam Kordofan và Blue Nile, xung đột giữa quân đội và các tay súng bộ lạc thường xuyên xảy ra. Theo Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền (OHCHR), các vụ xung đột sắc tộc diễn ra trong những ngày vừa qua ở bang Warrap, miền Bắc Nam Sudan, làm 78 người chết, 9 người mất tích và 72 người bị thương, trong đó đa số là phụ nữ và trẻ em. Tình trạng cướp bóc gia súc trong các vụ xung đột này xảy ra với mức độ nghiêm trọng. Có trên 70.000 gia súc đã bị cướp đi gây ảnh hưởng tới cuộc sống của khoảng 40.000 người vốn đang đối mặt với tình trạng thiếu nước, lương thực, chỗ ở và thuốc men. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã phải lên tiếng (ngày 4-2) bày tỏ lo ngại cuộc khủng hoảng giữa hai nước Sudan có thể đe dọa hòa bình và an ninh của khu vực.
Hiện tại, căng thẳng vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu, kể từ ngày 1-2, Nam Sudan đã quyết định ngừng tất cả các hoạt động hợp tác dầu khí với Sudan. Tại một cuộc họp báo mới đây ở thủ đô Juba của Nam Sudan, Bộ trưởng Dầu khí Stephen Dhieu Dau cho biết, các hoạt động hợp tác về dầu khí bị đình chỉ là do Sudan tăng chi phí vận chuyển và xuất khẩu dầu khí và nó chỉ được nối lại sau khi hai quốc gia láng giềng ký kết hiệp định toàn diện, trong đó gồm các vấn đề then chốt như an ninh biên giới, giải pháp hòa bình cho khu vực tranh chấp Abyei và giảm phí xuất khẩu các sản phẩm dầu khí...
Tuy nhiên, vấn đề không phải là không có giải pháp. Nỗ lực của cộng đồng quốc tế đang được thể hiện để giúp hai bên ổn định tình hình. Tổng thống Omar al-Bashir đã cam kết tìm kiếm hòa bình thông qua đối thoại. Hai bên cũng đã chấp thuận nối lại cuộc thương lượng ở Addis Ababa trong những ngày tới dưới sự bảo trợ của một ủy ban thuộc Liên minh Châu Phi (AU) do cựu Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki đứng đầu. Để giảm bớt căng thẳng, Sudan đã vừa thả 3 tàu chở dầu của Nam Sudan bị giữ do không trả phí vận chuyển. Hy vọng, bằng thiện chí, hai bên Sudan sẽ sớm gỡ bỏ bất đồng, giúp thế giới gỡ bỏ căng thẳng đang có cơ bùng nổ đe dọa an ninh của cả khu vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.