Cuộc đàm phán về hòa bình Sudan diễn ra từ ngày 14 đến 23-8 tại Thụy Sĩ đã kết thúc bằng bản Tuyên bố chung nêu rõ, hai bên tham chiến nhất trí tạo điều kiện cho các hoạt động nhân đạo một cách an toàn, thông qua hai tuyến đường chính.
Dù chưa đạt được bước tiến nào liên quan tới thỏa thuận ngừng bắn, nhưng đây vẫn được xem là một tia hy vọng mong manh đối với quốc gia đang chìm trong nạn đói này.
Ngày 24-8, thông báo của các nhà hòa giải cho biết, cuộc đàm phán về hòa bình Sudan do Saudi Arabia và Thụy Sĩ đồng tổ chức, Liên minh châu Phi (AU), Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Liên hợp quốc đóng vai trò là nhóm điều hướng. Các quốc gia trung gian với tên gọi "Nhóm liên kết vì tiến bộ cứu sinh và hòa bình ở Sudan (ALPS)" đã chắc chắn nhận được sự bảo đảm từ cả quân đội Sudan (SAF) và Các lực lượng phản ứng nhanh (RSF) về việc cho phép tiếp cận nhân đạo một cách an toàn và không bị cản trở, thông qua hai tuyến đường chính là cửa khẩu phía Tây Darfur qua thị trấn Adre (của Cộng hòa Chad) và cửa khẩu dọc theo đường Dabbah qua phía Bắc và phía Tây từ Cảng Sudan. Ngay sau khi đàm phán kết thúc, các xe chở hàng viện trợ đã lên đường để cứu giúp người dân ở Trại Zamzam và các khu vực khác của Darfur.
Ngoài việc bảo đảm cho các tuyến đường vận chuyển nhân đạo, các nhà hòa giải đã thuyết phục và nhận được cam kết của hai bên xung đột về việc kiềm chế các hành vi bao gồm bạo lực đối với phụ nữ hoặc trẻ em, sử dụng trạm kiểm soát để tịch thu tài sản của dân thường, tấn công hoạt động nhân đạo và dịch vụ thiết yếu.
Kể từ khi giao tranh giữa SAF và RSF bùng phát vào giữa tháng 4-2023, hơn 10 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa. Trên khắp Sudan, thường dân bị mắc kẹt giữa hai làn đạn, phải đối mặt với cảnh đổ máu và thiếu thốn nhiều thứ. Các nỗ lực cung cấp viện trợ gặp khó khăn do lệnh cấm vận của các bên tham chiến, khiến tình hình tại Sudan ngày càng trở nên bi đát. 25,6 triệu người, tương đương với hơn một nửa dân số Sudan, đang phải đối mặt với nạn đói. Chương trình Lương thực thế giới (WFP), một cơ quan của Liên hợp quốc, đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp trong khu vực, trong đó nghiêm trọng nhất là tình hình tại Trại Zamzam và một phần của khu vực Bắc Darfur.
Xung đột tại Sudan cũng làm gián đoạn các lĩnh vực quan trọng như giáo dục và các dịch vụ cơ bản, có thể tác động tiêu cực đến tương lai của 24 triệu trẻ em. Về khía cạnh kinh tế, bất ổn kéo dài nhiều tháng qua gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung cấp lương thực, khiến giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng vọt. Ngoài ra, còn có những lo ngại ngày càng tăng về một đợt bùng phát dịch tả mới. Trong tháng 8, tính từ thời điểm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tả đầu tiên được phát hiện đến nay, đã có hơn 650 trường hợp và 28 ca tử vong tại 5 tiểu bang.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, sự lây lan của dịch bệnh được thúc đẩy bởi lũ lụt và tình trạng nước, vệ sinh kém trong các trại tị nạn và cộng đồng. Nhiều cuộc hòa đàm đã được tổ chức, song tiến độ diễn ra rất chậm và kết quả không đủ để giải quyết quy mô của cuộc khủng hoảng nhân đạo. Theo ông Cameron Hudson, thành viên cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế tại Washington (Mỹ), cuộc khủng hoảng ở Sudan nghiêm trọng đến mức sau 4 vòng đàm phán, các bên vẫn chỉ chạm đến bề nổi những gì người dân Sudan cần trợ giúp. Ngoài cam kết liên quan tới vấn đề nhân đạo, các nhà trung gian chưa thể đưa hai bên tham chiến xích lại gần nhau. Việc SAF không đưa đại diện tới Thụy Sĩ để tham dự trực tiếp buổi hòa đàm mà chỉ liên lạc trực tuyến đã gây trở ngại cho các cuộc thảo luận.
Hiện SAF vẫn kiên quyết đưa ra 4 điều kiện để ngừng bắn, trong đó bao gồm việc rút RSF khỏi các khu vực dân sự và cơ sở hạ tầng công cộng. Điều kiện này được đại diện quân đội Sudan cho là cần thiết, thể hiện quyết tâm trong việc duy trì các thỏa thuận đã được thiết lập trước đó cũng như lập lại trật tự tại quốc gia đang bị xung đột tàn phá. Tuy nhiên, RSF không đáp ứng yêu cầu này.
Mặc dù con đường đàm phán còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức, song các nhà bình luận cho rằng, việc các bên đạt được thỏa thuận bảo đảm an toàn cho các hoạt động nhân đạo đã mang tới một tia hy vọng mong manh. Như đặc phái viên Mỹ tại Sudan Tom Perriello phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ): “Chúng tôi hy vọng rằng đây sẽ là động lực cho những bước tiến lớn hơn và tiến bộ hơn trong tương lai”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.