(HNM) - Bảy năm đã qua kể từ ngày Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, thật vui vì sự phát triển về văn hóa - xã hội ở Thủ đô vẫn luôn theo mạch dòng chảy mạnh mẽ, để Hà Nội luôn xứng đáng là Thủ đô ngàn năm văn hiến, Thành phố Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình. Với việc mở rộng địa giới, Hà Nội như được tiếp thêm
Di tích lịch sử Thành cổ Sơn Tây. Ảnh: Bá Hoạt |
Bao mong mỏi, gửi gắm…
Một trong các thành tựu nổi bật được ghi nhận sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, đó là văn hóa - xã hội đã có bước phát triển toàn diện. Hà Nội vốn là đất ngàn năm văn vật, lại có thêm nguồn di sản dồi dào, sâu lắng của Xứ Đoài và một số vùng đất ở Hòa Bình, Mê Linh khiến vốn văn hóa càng được bồi đắp. Thống kê sơ bộ cho thấy, Hà Nội hiện có hơn 5.000 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có hơn 2.000 di tích đã được xếp hạng. Đây là di sản vô cùng to lớn và quý báu, cần được trân trọng, giữ gìn và phát huy. Cách nay hai năm, tại Hội nghị tổng kết 5 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị ghi nhận: "Văn hóa - xã hội Thủ đô tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm. Sau hợp nhất, nhiều chỉ tiêu bình quân đầu người trên lĩnh vực văn hóa - xã hội bị giảm so với trước, song với những cố gắng mới, TP Hà Nội luôn giữ vị trí dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục". Những ghi nhận đó khiến những người làm công tác văn hóa có thể cảm nhận rõ sự mong mỏi, tin yêu mà các cấp lãnh đạo, nhân dân dành cho Thủ đô.
Trong định hướng về sự phát triển văn hóa ở Hà Nội sau mở rộng địa giới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo: "Phải xây dựng Thủ đô thực sự là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, tiêu biểu cho nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ như hiện nay, điều quan trọng nhất để nhận diện mỗi cộng đồng chính là bản sắc văn hóa. Vì vậy, để Hà Nội mãi mãi xứng đáng là Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, thành phố Vì hòa bình, cần đặc biệt quan tâm tạo bước chuyển biến mới trong xây dựng văn hóa và con người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Chú trọng giáo dục cho mỗi công dân Thủ đô, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử, văn hóa vô cùng vẻ vang và rất đỗi tự hào của dân tộc ta và Thủ đô yêu dấu, từng bước hình thành lối sống nhân ái, nghĩa tình, tôn trọng pháp luật, sống có kỷ cương, góp phần quan trọng xây dựng Thủ đô thực sự giàu đẹp, văn minh, hiện đại".
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định: "Phải huy động mọi tiềm năng, thế mạnh và nguồn lực của thành phố; đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương xã hội hóa để phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô và sự phát triển chung của vùng và cả nước. Cần nhanh chóng khắc phục sự mất cân đối trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội, làm tốt hơn nữa công tác quản lý, gìn giữ và phát huy giá trị của hơn 5.000 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có hơn 2.000 di tích được xếp hạng của nhiều làng nghề, làng cổ, phố cổ". |
Càng giàu di sản, trách nhiệm càng lớn!
Trò chuyện cùng phóng viên Báo Hànộimới, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia từng bày tỏ: "Hà Nội là trung tâm hội tụ và tỏa sáng văn hóa, là miền đất đậm đặc, phong phú, đa dạng các loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Chỉ riêng số lượng di tích được xếp hạng cấp quốc gia ở Hà Nội đã chiếm hơn 1/4 tổng số di tích cấp quốc gia của cả nước, cũng là địa phương đầu tư kinh phí cho việc bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa lớn nhất. Dù còn một số di tích bị vi phạm trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nhưng Hà Nội đã đi đầu trong việc giải quyết một vấn đề rất khó cả về lý thuyết và thực tiễn, không chỉ của Việt Nam, mà cả ở nhiều nước trên thế giới: Đó việc giải quyết hài hòa, hợp lý giữa bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội trong không gian đô thị".
GS.TSKH Lưu Trần Tiêu đưa ra 3 ví dụ minh chứng cho thành công của Hà Nội trong việc giải quyết vấn đề nan giải này, bao gồm việc cho phép xây dựng dự án bảo tồn tại chỗ Khu 18 Hoàng Diệu như một "bảo tàng ngoài trời" để phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan du lịch; việc thực hiện tư liệu hóa chi tiết và đầy đủ các hố khai quật Khu Đàn Xã Tắc ở ngã năm Ô Chợ Dừa, đưa những hiện vật có thể di chuyển được về bảo quản và trưng bày trong bảo tàng, sau đó lấp cát theo phương pháp khoa học toàn bộ hố khai quật và bàn giao mặt bằng cho chủ dự án thi công; hay như việc giải quyết các nút giao thông trên đường Văn Cao, Đào Tấn, Cầu Giấy, Đội Cấn sau khi thực hiện đầy đủ, chi tiết việc tư liệu hóa các hố khai quật khảo cổ, đưa toàn bộ tài liệu, hiện vật về lưu trữ, bảo quản tại bảo tàng để phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày phát huy giá trị di tích. Tất cả đều cho thấy kinh nghiệm quý báu của Hà Nội trong công tác quản lý - vấn đề giải quyết hài hòa, hợp lý giữa bảo tồn và phát triển.
Để thực thi nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội thực sự xứng tầm với vai trò, vị thế của Thủ đô đòi hỏi cả quá trình dài, bền bỉ. Như dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội đã chỉ rõ: ..."Trong thời gian tới, các nhà quản lý và chuyên môn ở Hà Nội càng cần phải phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện tốt công tác quản lý, quan tâm đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản và bản sắc văn hóa; giải quyết hợp lý yêu cầu bảo tồn và phát triển; phát huy có chọn lọc các loại hình văn hóa phi vật thể".
Rõ ràng, để phát huy hiệu quả nhất những tiềm năng, thế mạnh của các di sản, các nhà quản lý và chuyên môn vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.