(HNM) - Buộc phải cắt giảm nhiều sắc thuế theo cam kết hội nhập quốc tế, nguồn thu chủ lực của TP Hồ Chí Minh sẽ giảm mạnh, trong khi chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước lại tăng.
Hải quan là một trong những ngành trọng yếu mang lại nguồn thu cho TP Hồ Chí Minh. |
Giảm thu từ xuất nhập khẩu
Theo kế hoạch, năm 2018, TP Hồ Chí Minh phải thu 376.780 tỷ đồng ngân sách nhà nước, tăng hơn 8% so với số thu ngân sách năm 2017. Như vậy, bình quân mỗi ngày thành phố phải thu trên 1.200 tỷ đồng mới đạt được chỉ tiêu. Điều này gây áp lực lên nhiều ngành vốn là "trụ cột" nguồn thu ngân sách nhà nước của thành phố, trong đó có ngành Hải quan. Điều đáng nói, năm 2017, ngành Hải quan TP Hồ Chí Minh đạt số thu ngân sách hơn 109.000 tỷ đồng. Nhưng năm 2018, thành phố giao ngành Hải quan thu 108.000 tỷ đồng (giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với năm 2017).
Vì sao trong khi chỉ tiêu thu ngân sách 2018 tăng, nhưng chỉ tiêu của ngành Hải quan lại giảm? Đây là câu chuyện của ngành Thuế. Bước sang năm 2018, do cắt giảm các dòng thuế nhập khẩu theo các Hiệp định thương mại đã ký kết, nhiều nhóm hàng trước đây có nguồn thu lớn sẽ không còn, trong đó, nguồn thu chủ lực từ nhập khẩu ô tô bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố mới đây, ông Đinh Ngọc Thắng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho biết, do tác động từ chính sách thuế, mỗi tháng ngành Hải quan thành phố sẽ hụt thu từ 700 đến 1.000 tỷ đồng, tính chung cả năm hụt thu trên 10.000 tỷ đồng.
Giảm thu trên 10.000 tỷ đồng/năm là con số không nhỏ đối với TP Hồ Chí Minh. Để bù vào khoản này, thành phố buộc phải tìm các giải pháp để tăng nguồn thu nội địa - nguồn thu lớn nhất của thành phố hiện nay. Năm 2017, nguồn thu nội địa (trừ dầu thô) của TP Hồ Chí Minh đạt hơn 222.000 tỷ đồng. Như vậy, để đạt chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước, thành phố phải phấn đấu thu nội địa đạt 256.210 tỷ đồng (trừ dầu thô) trong năm 2018 (tăng hơn 34.000 tỷ đồng so với năm 2017) mới đạt yêu cầu đề ra.
Trông chờ thu nội địa
Theo ông Đinh Ngọc Thắng, năm 2018, khả năng thu ngân sách của TP Hồ Chí Minh từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ đạt tối đa khoảng 100.000 tỷ đồng, đạt 92,6% so với chỉ tiêu pháp lệnh và chỉ đạt 91,7% số thu ngân sách nhà nước thực tế năm 2017. Để bù đắp vào khoản thiếu hụt này, Hải quan thành phố đã triển khai nhiều giải pháp ngay từ đầu năm 2018 nhằm nuôi dưỡng nguồn thu, trong đó giải pháp tạo thuận lợi thương mại được triển khai mạnh mẽ.
Trong khi ngành Hải quan dự báo hụt thu lớn thì ngành Thuế lại có dấu hiệu khả quan hơn. Theo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, lũy kế 2 tháng đầu năm 2018, tổng thu nội địa trên địa bàn thành phố (trừ dầu thô) được 44.559 tỷ đồng, đạt gần 17,4% dự toán năm 2018 và tăng gần 8,2% so với cùng kỳ năm 2017. Với đà tăng trưởng như trên, chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước của ngành Thuế thành phố trong năm 2018 là 256.210 tỷ đồng hoàn toàn có thể thực hiện được.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, TP Hồ Chí Minh cần xây dựng cơ chế thu ngân sách nhà nước hiệu quả, bền vững, bám sát vào mọi lĩnh vực. Tiến sĩ Đinh Thế Hiển (chuyên gia kinh tế) cho rằng, hiện TP Hồ Chí Minh có nhiều nguồn thu lớn, nhưng chưa thu đúng, thu đủ. Đơn cử, khi tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được xây dựng, giá nhà đất hai bên tuyến này tăng rất mạnh, nhưng thành phố vẫn chưa thu được đồng nào từ việc tăng giá nhà đất này. Trong những năm qua, thành phố đầu tư rất lớn về hạ tầng đô thị, nhưng việc tăng thu ngân sách từ kết quả đầu tư này chưa bù đắp kinh phí.
Bà Trần Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 2 năm qua, chia theo khu vực kinh tế thì khu vực dịch vụ có xu hướng tăng dần (từ 39% lên 40%), khu vực công nghiệp - xây dựng có xu hướng giảm dần (từ 38% xuống 33%); chia theo thành phần kinh tế thì kinh tế ngoài nhà nước có xu hướng tăng dần (từ 39% lên 40%), kinh tế nhà nước giảm dần (từ 46% xuống 42%). Từ thực tế này, thành phố cần tập trung các giải pháp đẩy mạnh khu vực kinh tế dịch vụ cũng như tạo điều kiện thuận lợi để thành phần kinh tế ngoài nhà nước phát triển để tăng nguồn thu ngân sách.
Cũng theo bà Trần Thị Bình Minh, việc sử dụng nguồn lực tài chính từ đất đai trong những năm qua đang phát huy tác dụng rất tốt. Cụ thể, nguồn tài chính thu được từ bán đấu giá nhà đất đã góp phần tăng nguồn thu ngân sách nhà nước của thành phố và dư địa của nguồn thu này hiện còn rất lớn.
Để đạt chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước đặt ra trong năm 2018, theo Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh, thành phố phải tận dụng đòn bẩy về chính sách để tăng thu ngân sách nhà nước. Đòn bẩy đó chính là cơ chế tài chính đặc thù. Trước mắt, năm 2018, thành phố sẽ thực hiện thu các loại phí, lệ phí chưa có trong danh mục phí, lệ phí. Song song đó, ngành Tài chính thành phố sẽ thực hiện các giải pháp nhằm giảm thất thu ngân sách, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt để kiểm soát hoạt động thương mại, đặc biệt là thương mại điện tử.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.