(HNMO) - Những tháng đầu năm thường là thời điểm khó phát triển số người tham gia mới chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, năm 2023, số người tham gia các chính sách gia tăng ngay từ đầu năm.
Theo thống kê của BHXH thành phố Hà Nội, tính đến ngày 31-1, số người tham gia BHXH bắt buộc là 1,98 triệu người, tăng 0,08% so với 31-12-2022, bằng 40,6% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia BHXH tự nguyện là 74.365 người, bằng 1,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Chính sách BHYT có 7,63 triệu người, tỷ lệ bao phủ đạt 92,9% dân số ở Thủ đô.
Kết quả này có được là nhờ các cơ quan, đơn vị chức năng quan tâm giải quyết việc làm mới và tham gia BHXH cho người lao động; đồng thời, tiến hành 136 cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về BHXH tại các đơn vị, doanh nghiệp, qua đó hạn chế thấp nhất tình trạng trốn đóng BHXH hoặc đóng không đủ số người theo quy định. Công tác bảo đảm quyền lợi cho người tham gia các chính sách được chú trọng.
Giám đốc BHXH thành phố Phan Văn Mến nhận định, những kết quả đạt được bước đầu rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo dự báo, năm 2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, nhất là ở một số lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, xây dựng, kinh doanh bất động sản… Điều này ảnh hưởng đến các chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT, giảm nợ của ngành BHXH trong thời gian tiếp theo.
Nhằm chủ động biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội, BHXH thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung thực hiện các chỉ tiêu phát triển người tham gia, tăng nguồn thu, giảm tỷ lệ nợ, tiếp tục mở rộng diện bao phủ BHYT với nhóm học sinh, sinh viên, phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT.
Cùng với đó, ngành BHXH phối hợp với cơ quan Công an, cơ quan Thuế rà soát, thống kê những hộ kinh doanh, doanh nghiệp chưa tham gia BHXH để yêu cầu tham gia.
Ngoài ra, các bên quan tâm giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ, chính sách liên quan; chủ động kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.