Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Gỡ khó để tăng nguồn thu

Kim Ngân| 14/12/2022 07:32

(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh là "đầu tàu" kinh tế của cả nước, song tốc độ phát triển lại đang có xu hướng giảm. Một trong những nguyên nhân là thành phố Hồ Chí Minh khó tăng nguồn thu để từ đó tăng chi phát triển...

Từ ngày 1-4-2022, thành phố Hồ Chí Minh triển khai thu phí hạ tầng cảng biển, tạo thêm nguồn vốn đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông.

Những điểm nghẽn

8h sáng, phần lớn dòng xe trên những ngả đường các huyện Nhà Bè, Bình Chánh qua quận 7 vào trung tâm thành phố Hồ Chí Minh đều dồn về cầu Kênh Tẻ, biến nơi đây thành điểm ách tắc giao thông nghiêm trọng. Ông Vương Tiến Sơn, ở Khu đô thị Him Lam (phường Tân Hưng, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Lâu nay, chúng tôi đã nghe đến dự án bắc cây cầu thứ hai từ khu Him Lam qua Kênh Tẻ sang quận 4 và nối dài đến quận 1 nhưng mãi vẫn chưa thấy triển khai”.

Việc thiếu nguồn vốn đầu tư phát triển cũng khiến ngành Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh gặp khó trong việc mở rộng hệ thống trường công lập, đáp ứng tốc độ tăng dân số cơ học. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu, giai đoạn 2016-2020, thành phố cần bổ sung 14.097 phòng học các cấp công lập, nhưng chỉ thực hiện được 43,38% kế hoạch. Đến năm 2025, thành phố cần khoảng 9.000 phòng học nhưng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 còn hạn chế.

Nhiều vấn đề xã hội khác tại thành phố Hồ Chí Minh cần có nguồn vốn như: Giải quyết vấn đề ngập nước; nâng cao mức thu nhập tăng thêm cho công chức, viên chức để ứng phó với giá cả sinh hoạt đắt đỏ; hỗ trợ ngành Y tế vượt khó bởi nhiều bệnh viện công lập tự chủ tài chính đang thu không đủ chi… Trong kỳ họp cuối cùng của năm 2022, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã trình HĐND thành phố xem xét quyết định dừng 17 dự án hạ tầng với tổng vốn khoảng 1.400 tỷ đồng để chuyển tiền sang những dự án cấp thiết hơn.

Một trong những nguồn vốn lớn nhất của thành phố Hồ Chí Minh là tỷ lệ ngân sách nhà nước được điều tiết lại cho địa phương. Thành phố hiện đóng góp 23% ngân sách, cao nhất cả nước nhưng từ năm 2017 đến năm 2021, tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố chỉ là 18% phần thu được từ 5 sắc thuế theo Luật Ngân sách (thấp nhất cả nước). Đơn cử, năm 2020, thành phố đạt tổng thu ngân sách hơn 371.000 tỷ đồng, phần được Trung ương điều tiết là hơn 34.400 tỷ đồng. Năm 2021, các con số tương ứng là gần 365.000 tỷ đồng và hơn 35.500 tỷ đồng.

Cũng từ năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, trong đó bao gồm chính sách hỗ trợ tăng nguồn thu. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2022, việc tăng nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, từ đấu giá tài sản công… chưa thể thực hiện do thiếu hành lang pháp lý.

Đề xuất nhiều cơ chế

Năm 2022, thành phố Hồ Chí Minh đã được Trung ương tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách từ 18% lên 21%, tương ứng tăng khoảng 6.000 tỷ đồng. Đây là sự bổ sung nguồn lực đáng kể để thành phố đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, còn nhiều dư địa để thành phố có thể khai thác nhằm tăng thu, nếu các điểm nghẽn về chính sách được tháo gỡ.

Đầu tháng 12-2022, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện việc xây dựng nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển. Đáng chú ý, UBND thành phố Hồ Chí Minh đề xuất được thí điểm thu thuế quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản trên đất với chủ sở hữu bất động sản thứ hai trở lên và được hưởng 100% khoản thu này. Thành phố cũng xin được tự quyết việc tổ chức đơn vị sự nghiệp công; quyết định số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại xã, phường...

UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất cơ chế riêng về quy trình thủ tục đầu tư; giao, cho thuê đất; lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư… để huy động thêm nguồn lực tư nhân, xã hội hóa đầu tư công trình văn hóa, thể thao... Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu, phát triển thành phố Hồ Chí Minh, tăng thu sẽ tăng được chi. Đáng chú ý, một đồng vốn đầu tư công tại thành phố có thể thu hút mười đồng vốn đầu tư của xã hội.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết thêm, thành phố Hồ Chí Minh không xin tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách hơn 21% mà đề xuất xây dựng cơ chế tạo ra nguồn thu để tăng chi đầu tư. Những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng pháp luật chưa quy định hoặc quy định không phù hợp thì cho thành phố làm thí điểm theo hướng tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Gỡ khó để tăng nguồn thu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.