Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sửa đổi Luật Đất đai là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV

Tiến Thành| 22/09/2022 12:03

(HNMO) - Sáng 22-9, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9-2022, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Dự kiến, dự án Luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tiên tại kỳ họp thứ tư và sẽ được xem xét, thông qua theo quy trình 3 kỳ họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư “đi trước” quyết định thu hồi đất

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, Luật Đất đai tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khả thi cho việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất còn những tồn tại, hạn chế về quy hoạch sử dụng đất; chưa giải quyết hài hòa lợi ích giữa các bên trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định; năng lực quản lý nhà nước, cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn xảy ra ở nhiều nơi…

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 240 điều, trong đó, giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 156 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều. Dự thảo luật quy định cụ thể hơn quyền và trách nhiệm của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý đối với đất đai và quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai.

Về thu hồi đất; việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; khai thác quỹ đất phụ cận các công trình kết cấu hạ tầng; cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai..., dự thảo Luật đã quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất theo tính chất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và bổ sung trường hợp thu hồi đất đối với các dự án mà được trên 80% người có đất thu hồi đồng ý...

Quy định Bảng giá đất xây dựng định kỳ hằng năm được công bố công khai và áp dụng từ ngày 1-1 của năm phù hợp với cơ chế thị trường và được áp dụng để tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, thuế, phí, lệ phí… Đối với khu vực đã có bảng giá đất tới từng thửa đất theo vùng giá trị đất, giá thửa đất chuẩn thì việc định giá đất cụ thể được xác định theo bảng giá đất tại thời điểm định giá.

Trong quá trình xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi), còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau. Về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đa số đồng ý như dự thảo quy định, tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất khi thực hiện thu hồi đất để xây dựng dự án đô thị, nhà ở thương mại. Nên cho phép chủ đầu tư được thỏa thuận với người sử dụng đất trong việc nhận chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án; hạn chế thực hiện việc thu hồi đất để tránh khiếu kiện về đất đai.

Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, đa số ý kiến thống nhất với dự thảo Luật quy định các tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. UBND các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án nhân dân giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra.

Thẩm tra về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, quy định dự thảo Luật về việc Nhà nước thu hồi đất đối với “dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại” sẽ tác động rất lớn đến quyền của người sử dụng đất. Các dự án khu đô thị, nhà ở thương mại mang tính chất kinh doanh là chủ yếu, mặc dù sẽ tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung nhưng lợi ích trước mắt và trực tiếp sẽ mang lại cho các chủ đầu tư thực hiện dự án. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng việc thu hồi đất phục vụ dự án khu đô thị, nhà ở thương mại là không phù hợp.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị đánh giá kỹ lưỡng hơn về thực trạng giải quyết tranh chấp đất đai qua UBND các cấp và qua Tòa án nhân dân, khả năng đáp ứng yêu cầu giải quyết tranh chấp về đất đai của hệ thống Tòa án và thực tiễn quản lý đất đai của nước ta...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.

Chỉ cụ thể hóa những vấn đề đã chín, đã rõ

Phát biểu gợi mở một số vấn đề, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, sửa đổi Luật Đất đai là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

“Kết quả cuối cùng của quá trình xây dựng, thông qua Luật Đất đai là ví dụ sinh động nhất để đánh giá năng lực xây dựng pháp luật của Chính phủ, Quốc hội; đánh giá năng lực thể chế hóa chủ trương của Đảng vào chính sách, pháp luật của Nhà nước; đánh giá năng lực kiến tạo phát triển; năng lực tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trước đây và không phát sinh khó khăn, vướng mắc mới; năng lực thể hiện tính công khai, minh bạch trong xây dựng pháp luật. Đây là ví dụ sinh động nhất thể hiện chúng ta thực hiện tốt chủ trương của Đảng trong việc chống tiêu cực, cài cắm lợi ích trong công tác xây dựng pháp luật”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý đối với 16 nhóm vấn đề đặt ra nhưng chưa đủ độ chín, chưa đúng với tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TƯ về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” tuyệt đối không đưa vào dự thảo luật, mà chỉ cụ thể hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ và có quyết sách của Trung ương.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng thảo luận.

Thảo luận về dự án luật, nhấn mạnh Luật Đất đai là dự án luật rất quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, phải xác định việc sửa đổi luật lần này là sự kiện chính trị - pháp lý lớn của đất nước để triển khai bám sát, thể chế hóa đúng đắn, đầy đủ, kịp thời Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết 18-NQ/TƯ và các văn kiện khác của Đảng. Để bảo đảm tính thống nhất của Luật Đất đai trong hệ thống pháp luật, ông Hoàng Thanh Tùng cho rằng, cần rà soát các quy định pháp luật hiện hành với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), từ đó chỉ ra được cần sửa gì, ở đâu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, thu hồi đất là một chế định quan trọng trong Luật Đất đai, phải quy định chặt chẽ nội dung này. Trong đó, lưu ý nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể, tiêu chí cụ thể đến Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TƯ; rà soát kỹ lưỡng các trường hợp thu hồi đất để bảo đảm tính chính xác và phù hợp tránh việc lạm dụng trong thực tiễn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường thảo luận.

Liên quan đến quy định về đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đất chưa được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đất chưa bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa được quy định chặt chẽ, còn thiếu tính khả thi với một trong các điều kiện đặt ra là có tối thiểu 80% người bị thu hồi đất đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, đây là dự án Luật có nội dung rộng lớn, liên quan đến chính trị, văn hóa, kinh tế, quốc phòng - an ninh, lịch sử nên nội dung tương đối phức tạp. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa, nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến đã nêu, hoàn thiện dự án Luật chặt chẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa, bảo đảm chất lượng cao.

Đối với các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Bộ trưởng cho biết, rất khó để đưa điều kiện, tiêu chí toàn diện về vấn đề này. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu để nghiên cứu, làm rõ nội hàm việc thu hồi đất.

Đối với vấn đề về áp dụng pháp luật, Bộ trưởng cho biết, Luật Đất đai nằm ở trung tâm việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, có nhiều nội dung giao thoa với các bộ luật khác. Tính ổn định của Luật Đất đai quyết định tính ổn định của tình hình chính trị, xã hội, chất lượng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng. Các quy định cũng hướng đến làm rõ, điều chỉnh mối quan hệ giữa Luật Đất đai (sửa đổi) với các Luật khác, chứ không phải Luật Đất đai 2013, nên sẽ không chỉ giải quyết các vấn đề chồng chéo trước đây, mà còn hướng đến giảm thiểu các mâu thuẫn, chồng chéo của Luật sắp ban hành.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị rất tích cực, khẩn trương, công phu của cơ quan soạn thảo đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến tại phiên họp để hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư sắp tới.

Ngày 16-6-2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TƯ với 5 quan điểm, 3 mục tiêu, 6 nhóm giải pháp, 8 chính sách lớn trong hoàn thiện pháp luật về đất đai, đặt ra yêu cầu hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai trong năm 2023. Đây là cơ sở chính trị rất quan trọng để hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sửa đổi Luật Đất đai là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.