Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4

Theo TTXVN| 14/04/2023 21:21

Chiều 14-4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4-2023.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4-2023.

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, sau 2,5 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Trong công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào 3 dự án luật có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 là: Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét và nhất trí trình Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ năm.

Về dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Chính phủ đề nghị, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ năm, quyết định thông qua tại kỳ họp thứ sáu. Tuy nhiên, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị lùi thời gian trình Quốc hội xem xét lần đầu sang kỳ họp thứ sáu, quyết định thông qua tại kỳ họp thứ bảy để vừa bảo đảm về tiến độ, vừa bảo đảm về chất lượng của dự án luật. Trường hợp Ủy ban Quốc phòng và An ninh hoàn thành tốt việc chuẩn bị 2 dự án luật này thì có thể trình bổ sung như đề nghị của Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các cơ quan trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến về 3 dự án luật này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét và nhất trí với đề nghị dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình một kỳ họp tại kỳ họp thứ năm.

Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào Dự án đường kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707 (xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận). Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiếp thu ý kiến của các đại biểu, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện thẩm tra dự án này.

Nhấn mạnh, thời gian từ nay đến kỳ họp thứ năm của Quốc hội rất ngắn, khối lượng công việc còn lại rất nhiều, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Pháp luật sau phiên họp này chủ động tổng hợp toàn bộ các nội dung còn lại để chuẩn bị cho phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 5. Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội phối hợp với Ủy ban Pháp luật chuẩn bị các nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các cơ quan hữu quan chuẩn bị chương trình Phiên họp tháng 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội một cách hợp lý nhất trong bối cảnh các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải tiếp xúc cử tri trước kỳ họp và phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội tại phiên họp.

* Nhất trí đề xuất sửa đổi 2 luật về xuất cảnh, nhập cảnh

Trước đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét đề nghị dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết dùng một luật để sửa 2 luật như tờ trình của Chính phủ; coi đây là sự cố gắng lớn trong đổi mới công tác quản lý nhà nước của Chính phủ nói chung và của Bộ Công an nói riêng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, báo cáo, làm rõ những nội dung theo ý kiến của Ủy ban Quốc phòng và An ninh và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bảo đảm thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng, khắc phục khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội với tinh thần mở rộng cửa để hội nhập và phát triển đất nước.

Với 100% thành viên có mặt biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua dự án luật này theo quy trình một kỳ họp tại kỳ họp thứ năm.

* Thống nhất trình Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng

Trước đó, chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường liên kết vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ với quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707. Dự án đường kết nối này dài 56,9km, tổng mức đầu tư sơ bộ là 1.929,882 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu dự án có tính chất liên kết vùng là 1.000 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương là 930 tỷ đồng.

Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết triển khai dự án. Việc thực hiện dự án phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 09-NQ/TƯ ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Việc thực hiện dự án sẽ giúp phát triển mạng lưới giao thông, phá thế độc đạo vào khu vực miền núi phía Tây Khánh Hòa; mở ra kết nối mới giữa huyện Khánh Sơn với huyện Khánh Vĩnh (vốn là 2 huyện vùng trũng, rất khó khăn của tỉnh Khánh Hòa) và các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của tỉnh, giúp khơi thông liên kết vùng với các huyện miền núi của các tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng.

Từng có thời gian giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, phát biểu về dự án này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự án đã có trong quy hoạch của tỉnh từ năm 2016. Năm 2017 cũng đã có kế hoạch triển khai. Tuy nhiên, tuyến đường này nằm trong vùng khó khăn nên không thể thực hiện xã hội hóa, vẫn phải có đầu tư công với sự hỗ trợ của Trung ương, chỉ riêng địa phương thì không thể làm nổi. Trong thời gian dịch Covid-19, kinh tế Khánh Hòa suy giảm rất mạnh. Đó là thời điểm tỉnh nhận ra phải phát triển toàn diện, không thể chỉ dựa vào một động lực tăng trưởng là du lịch. Khi quyết định xây dựng dự án, cũng có ý kiến đề xuất làm đường ven biển để thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên, sau khi xem xét kỹ, các cơ quan hữu quan nhận thấy đường ven biển có khả năng huy động nhiều nguồn vốn. Đường kết nối vùng miền núi phía Tây cần thiết hơn. Các tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng cũng đều gửi văn bản thể hiện sự nhất trí cao với đề xuất xây dựng dự án này của Khánh Hòa, vì sẽ kết nối với các tuyến đường của 2 tỉnh này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, đây là dự án quan trọng quốc gia nên cần thực hiện đúng quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước và Luật Đầu tư công, phải có ý kiến bằng văn bản của Kiểm toán Nhà nước làm cơ sở để các cơ quan tiến hành thẩm tra và cũng là cơ sở để trình Quốc hội quyết định. Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại tên gọi của dự án. Thực chất đây là đường nằm trên địa bàn 2 huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn, nhưng có tạo điều kiện kết nối vùng sau khi được đầu tư, cụ thể là kết nối với Ninh Thuận và Lâm Đồng. Cần rà soát lại các nghị quyết liên quan để đặt tên dự án cho đúng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý một số nhiệm vụ công tác trong thời gian tới.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cơ bản nhất trí với sự cần thiết đầu tư dự án này; đồng thời cho rằng, cần rà soát, tính toán lại tổng mức đầu tư kỹ lưỡng hơn để bảo đảm vừa tiết kiệm, vừa hiệu quả.

Liên quan đến tính kết nối của tuyến đường giữa tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam cho biết, tuyến đường này hoàn toàn nằm trong địa bàn tỉnh Khánh Hòa, có điểm đầu tuyến kết nối với quốc lộ 27C đi Lâm Đồng, điểm cuối tuyến nằm ở ranh giới tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận; đồng thời, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về khả năng cân đối vốn của địa phương; nhấn mạnh, sẽ tiếp thu ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sẽ trình Quốc hội dự án này với tên gọi phù hợp hơn; đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến của các cơ quan hữu quan, đặc biệt là của Kiểm toán Nhà nước để hoàn thiện hồ sơ dự án.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.