(HNM) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI đã đề ra chỉ tiêu: Tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng đạt 20-25%. Đây không phải là mục tiêu riêng lẻ, mà nằm trong mục tiêu tổng thể xây dựng Hà Nội là đô thị văn minh, sạch, đẹp.
Mốc thời gian năm 2020 đã cận kề, nhưng với thực tế hiện nay, mục tiêu vận chuyển hành khách công cộng đạt tỷ lệ 20-25% là một ngưỡng khó chạm. Bởi đến giờ đường sắt đô thị chưa có tuyến nào vận hành. Xe buýt nhanh (BRT) thì mới có 1 tuyến. Trong khi xe buýt - phương tiện vận tải hành khách công cộng đang phải “bò” trên những phần đường hỗn hợp, xung đột giữa các dòng phương tiện... Tốc độ xe buýt hiện chỉ đạt trung bình khoảng 17km/giờ, trong khi 6 năm trước, tốc độ trung bình là 23km/giờ.
Hạ tầng giao thông bất cập kéo theo chất lượng phục vụ hành khách không tốt khi xe phải phanh đột ngột trên suốt chặng đường và “lắc” liên tục để tránh va chạm với dòng phương tiện cá nhân len lỏi... Sự chậm chạp và thiếu tiện lợi ấy khiến phương tiện vận tải công cộng này chưa được đại đa số người dân lựa chọn cho việc đi lại hằng ngày.
Để tăng sức hút cho xe buýt, nhiều năm qua, Hà Nội đã đầu tư mạnh mẽ cho loại hình này, khi sử dụng xe chạy bằng nhiên liệu sạch, xóa vùng trắng xe buýt, miễn phí vé xe cho nhiều đối tượng... Song, những nỗ lực ấy là chưa đủ và chưa đạt hiệu quả cần thiết nếu xe buýt vẫn chậm chuyến, vẫn đi với tốc độ chỉ nhỉnh hơn xe thô sơ...
Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, không chỉ xe buýt nhanh (BRT), mà cả xe buýt thường phải có làn đường riêng mới phát huy được thế mạnh trong phục vụ. Do đó, ngoài việc triển khai các làn dường ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến trục chính đủ điều kiện, tổ chức giao thông theo hướng ưu tiên cho xe buýt qua các tuyến phố không cho xe ô tô hoạt động, các cơ quan chức năng cần đánh giá những mặt được và chưa được khi xe buýt đi làn đường riêng trên tuyến Nguyễn Trãi - Trần Phú và làn đường ưu tiên xe buýt nhanh hiện nay - BRT Kim Mã - Yên Nghĩa. Từ đó rút ra những bài học, kinh nghiệm trong tổ chức làn đường riêng cho phương tiện này.
Làn đường riêng cho xe buýt nên làm thí điểm một số tuyến, khi hoàn thiện, đạt kết quả mới tiếp tục nhân rộng. Song song đó, cần kết nối chặt chẽ việc triển khai làn đường riêng cho xe buýt với các phương tiện vận tải công cộng khác, đặc biệt là đường sắt đô thị sau khi đưa vào vận hành. Khi đó, một hệ thống giao thông công cộng đồng bộ, liên thông sẽ hỗ trợ lẫn nhau, giảm thiểu xung đột với các phương tiện cá nhân, qua đó tăng sức hấp dẫn của xe buýt đồng thời nâng hiệu quả tổng thể tổ chức giao thông công cộng.
Việc tổ chức làn riêng cho xe buýt cần được khảo sát kỹ mọi yếu tố, điều kiện. Đặc biệt, cần bám sát vào quy hoạch giao thông, quy hoạch xây dựng để có sự đầu tư phù hợp với làn đường riêng cho xe buýt ở những tuyến đường mở mới... Cùng với đó là hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ đi kèm như: Vỉa hè, các điểm ra - vào của xe buýt; các điểm trông giữ ô tô, xe máy quanh các điểm dừng đỗ xe buýt...
Để giải bài toán ùn tắc, ô nhiễm môi trường..., vận tải hành khách công cộng gánh trách nhiệm nặng nề. Trong đó, kể cả khi có đường sắt đô thị, thì xe buýt vẫn là một phương tiện vận tải quan trọng. Bởi thế, cần có sự ưu tiên nhất định trong việc tạo điều kiện để xe buýt hoạt động tốt hơn, thu hút được người sử dụng nhiều hơn. Với ý nghĩa đó thì việc tính toán cho xe buýt có một làn đường riêng, là sự ưu tiên cần thiết!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.