Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làn đường riêng - động lực thúc đẩy vận tải công cộng phát triển

Bài và ảnh: Tuấn Lương| 02/10/2022 05:25

(HNMCT) - Xe buýt chỉ có thể hấp dẫn đông đảo hành khách nếu như tăng được tốc độ vận hành, giảm thời gian chuyến đi, bảo đảm đúng giờ và đúng biểu đồ. Khi đó, loại hình vận tải công cộng này sẽ góp phần thay đổi thói quen đi lại của người dân và từng bước giảm phương tiện giao thông cá nhân.

Việc thí điểm phân làn trên đường Nguyễn Trãi giúp xe buýt lưu thông, đón trả khách thuận lợi hơn.

Khi xe buýt là “nạn nhân”

Từ ngày 6-8-2022, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi, đoạn Ngã Tư Sở - Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân. Theo đó, trên cả hai chiều đường cho phép xe máy - xe thô sơ - xe buýt được phép hoạt động cả 2 làn sát vỉa hè, còn ô tô được phép hoạt động 3 - 4 làn sát dải phân cách.

Dù không phải là được ưu tiên làn đường riêng nhưng chỉ sau vài ngày đầu chính thức thí điểm, nhiều công nhân lái xe buýt trên đoạn tuyến này đã cảm thấy “dễ thở” hơn rất nhiều bởi chỉ phải đi chung làn với xe máy và xe đạp, xe buýt không bị chen chúc giữa “rừng” ô tô, xe máy, xe đạp... như trước đó. Cảm thấy “dễ thở” rồi lại thấy tiếc vì đoạn thí điểm này chỉ dài có... 1,5km. Chưa thảnh thơi được mấy đã lại phải “đánh vật” với ùn tắc, nguy cơ va chạm do giao thông hỗn hợp trong khi ý thức người tham gia giao thông nói chung còn hạn chế.  

Theo ông Nguyễn Cao Thái, lái xe buýt tuyến 02 (Bác Cổ - Bến xe Yên Nghĩa), hiện nay, việc di chuyển hay ra vào điểm dừng đón khách từ hầm chui Thanh Xuân lên gần cầu vượt Ngã Tư Sở và hướng ngược lại của xe buýt thuận lợi hơn. Chỉ còn đoạn gần Ngã Tư Sở, do lưu lượng phương tiện tập trung vào giờ cao điểm quá đông, đây lại là “nút thắt” nên di chuyển còn khó khăn. Nhiều hành khách cũng đồng tình với việc xe buýt đi trong làn đường quy định, cảm thấy xe buýt di chuyển nhanh hơn so với trước.

Làn đường riêng cho xe buýt luôn là câu chuyện được những người làm nghề vận tải công cộng nhắc tới với với nhiều tiếc nuối và cả những băn khoăn.

Trước đây, Hà Nội từng có cả một đoạn đường dài dành riêng cho xe buýt trên tuyến Nguyễn Trãi - Hà Đông, trục "xương sống" chiếm tới 30% số tuyến trên toàn mạng xe buýt của Thủ đô. Đại diện Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho biết, thời điểm đó, khi có làn đường riêng, xe buýt có thể vận hành đạt tốc độ 20 - 21km/giờ. Xe buýt không phải ra vào điểm dừng, cản trở luồng giao thông, các phương tiện khác cũng sẽ được tạo không gian lưu thông tốt hơn do không bị xung đột với xe buýt. Nhờ đó, giao thông trên toàn tuyến thông thoáng, an toàn hơn. Chính vì thế, khối lượng vận chuyển khách trên tuyến này bằng 1/6 khối lượng toàn hệ thống. Tuy nhiên, sau khi làn đường riêng này bị “xóa sổ” để phục vụ thi công tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông thì tốc độ vận hành của xe buýt trên tuyến này hiện trung bình chỉ còn 14 - 15km/giờ, khối lượng vận chuyển hành khách cũng giảm đáng kể.

Với tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa, đã có những giai đoạn, do có làn đường riêng nên thời gian di chuyển giảm 20 - 30%, gần 100% xe xuất bến đúng giờ, độ an toàn cao hơn. Nhiều cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên sống dọc tuyến này đã chuyển sang đi buýt nhanh BRT để đến cơ quan, trường học thay vì sử dụng phương tiện cá nhân. Nhưng sau này, khi hành lang tuyến thường xuyên bị các phương tiện khác chiếm dụng, vi phạm không được xử lý triệt để nên nhiều thời điểm, buýt nhanh BRT cũng phải chật vật ngay trên chính làn đường riêng của mình. Bất cập này đã dẫn tới những quan điểm cho rằng làn đường riêng cho buýt nhanh BRT là lãng phí.

Khi không được ưu tiên về hạ tầng, không còn làn đường riêng, vào các khung giờ cao điểm, hình ảnh những chiếc xe buýt nhích từng mét đường trong "vòng vây" của các phương tiện giao thông cá nhân đã trở thành quen thuộc. Trung bình mỗi năm có khoảng 180.000 lượt xe buýt phải điều chỉnh lộ trình do ùn tắc, không thể vận hành, ảnh hưởng tới khoảng 3,5% tổng số chuyến và tính ổn định dịch vụ bị phá vỡ. Tỷ lệ chậm chuyến của xe buýt chiếm 50 - 60% tổng số chuyến khiến cho xe buýt không thể cạnh tranh với taxi, xe ôm, những loại hình nhỏ và rất cơ động. Giữ sứ mệnh vận tải công cộng để góp phần giải quyết ùn tắc nhưng xe buýt và đông đảo hành khách trên xe lại bị biến thành “nạn nhân” của tắc đường.  

Phải tăng được tốc độ, bảo đảm tính đúng giờ của xe buýt

Để tăng sức hút cho xe buýt, nhiều năm qua, thành phố Hà Nội đã đầu tư mạnh mẽ cho loại hình này, khi sử dụng xe chạy bằng nhiên liệu sạch, xóa “vùng trắng” xe buýt, miễn phí vé xe cho nhiều đối tượng... Song, những nỗ lực ấy là chưa đủ và chưa đạt hiệu quả cần thiết nếu xe buýt vẫn chậm chuyến, vẫn đi với tốc độ chỉ nhỉnh hơn xe thô sơ...

Bà Nguyễn Thị Loan (số 100, ngõ Hòa Bình 7, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, hàng chục năm qua, bà chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển chính trước tiên vì rẻ, an toàn. Sau nữa là vì mạng lưới xe buýt ngày càng được mở rộng, hành khách có thể đến được nhiều nơi mà trước đây muốn đến phải dùng taxi, xe ôm. Ví dụ như đi xe buýt từ Bến xe Mỹ Đình đến chùa Hương (huyện Mỹ Đức) cũng chỉ một tuyến xe với giá vé 9.000 đồng/lượt. Người cao tuổi còn được miễn phí. Nhưng vào các khung giờ cao điểm, việc đi lại bằng xe buýt rất vất vả. Người già rảnh rỗi không sao, học sinh, sinh viên, công nhân dễ bị muộn giờ học, giờ làm vì ùn tắc. 

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội cho rằng, việc tổ chức làn đường riêng là mô hình khá phổ biến ở nhiều đô thị trên thế giới nhằm tăng tính hấp dẫn và hiệu quả cho xe buýt. Nhờ có làn đường riêng, xe buýt sẽ tăng được tốc độ vận hành, giảm thời gian chuyến đi, bảo đảm đúng giờ và đúng biểu đồ, tăng năng lực vận chuyển, giảm chi phí nhiên liệu, giảm xung đột và ùn tắc giao thông.  

Theo kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng của thành phố, từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ tổ chức làn dành riêng cho xe buýt trên khoảng 10 tuyến đường trục chính đủ điều kiện. Với chủ trương ưu tiên làn đường riêng kết hợp với đẩy mạnh hợp lý hóa luồng tuyến, không ngừng mở rộng vùng phục vụ, đổi mới chất lượng đoàn phương tiện, cộng với kết nối hiệu quả với loại hình đường sắt đô thị, thành phố đặt mục tiêu đến giai đoạn nói trên, vận tải hành khách công cộng sẽ đáp ứng 30 - 35% nhu cầu đi lại của người dân.  

Khẳng định cần thiết phải có làn đường riêng để tăng sức hấp dẫn của xe buýt, qua đó thu hút ngày càng đông hành khách song các chuyên gia cũng thẳng thắn nhìn nhận, để làm được điều này đòi hỏi phải có tính toán kỹ lưỡng và các cấp chính quyền thành phố phải có quyết tâm chính trị mạnh mẽ.

Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức làn đường riêng cho xe buýt ban đầu có thể phải đối mặt với sự phản ứng hoặc chưa thực sự thành công như kỳ vọng. Song, theo định hướng lâu dài, nếu không quyết tâm mà chỉ lo ngại thì sẽ không thể làm được. Tuy nhiên, việc thực hiện không phải bất chấp mà phải dựa trên các nghiên cứu khoa học, ưu tiên vấn đề gì trước, vấn đề gì sau. Hơn nữa, cần truyền thông, phân tích cụ thể để người dân và dư luận hiểu về định hướng, sự cần thiết của giải pháp.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Thông cho rằng, với tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị như hiện nay, trong khoảng 15 năm tới, xe buýt vẫn sẽ là phương tiện vận tải công cộng chủ lực của Hà Nội. Muốn tăng thị phần, thu hút người dân sử dụng, xe buýt phải bảo đảm thời gian đi lại có thể cạnh tranh so với xe máy. Để đạt được điều đó, xe buýt cần phải được ưu tiên trong việc tổ chức giao thông bằng việc tạo làn ưu tiên và tổ chức đèn tín hiệu ưu tiên khi chạy qua các giao cắt. Nếu xe buýt thu hút ngày càng nhiều người dân lựa chọn làm phương tiện di chuyển thì sẽ góp phần hạn chế phương tiện cá nhân và giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, thành phố đang nghiên cứu phương án và thời điểm để triển khai. Nguyên tắc lựa chọn hành lang ưu tiên của Hà Nội bao gồm: Đủ chiều rộng mặt cắt đường; có lượng xe buýt hoạt động lớn; lưu lượng giao thông phù hợp, để không tạo áp lực quá lớn khi có làn đường riêng. Thành phố không tổ chức tràn lan, mà sẽ "khoanh vùng" làm từng đoạn tuyến, từng thời điểm khi đủ điều kiện; tổ chức phối hợp linh hoạt các hình thức ưu tiên (tạo làn riêng kết hợp với giải pháp ưu tiên qua nút giao thông; ưu tiên trong khung giờ cao điểm). Khi tổ chức làn đường riêng, đương nhiên các phương tiện cá nhân sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ khảo sát cẩn trọng và cân nhắc thời điểm phù hợp để triển khai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làn đường riêng - động lực thúc đẩy vận tải công cộng phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.