Một trong những nội dung quan trọng được nêu trong Kết luận Hội nghị lần thứ mười ba Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII là yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, các cấp quản lý. Đây là sự nghiêm khắc cần thiết, đòi hỏi phải thực hiện ngay.
Đầu tư công hay giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa to lớn đối với đời sống kinh tế - xã hội. Lĩnh vực này càng trở nên quan trọng hơn đối với tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hiện nay, khi xuất khẩu sụt giảm mạnh, sản xuất thu hẹp, doanh nghiệp không có đơn hàng... Tỷ lệ giải ngân còn quyết định hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; chậm giải ngân gây lãng phí nguồn lực, đánh mất thời cơ, cơ hội phát triển...
Trong khi đó, tính đến hết tháng 5-2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội đạt 24,8% kế hoạch giao. Đây là tỷ lệ thấp so với yêu cầu đề ra. Kết quả này có nguyên nhân khách quan là khối lượng công việc thành phố phải giải quyết ngày càng lớn và những bất cập về cơ chế, chính sách trong công tác giải phóng mặt bằng, biến động giá nguyên, vật liệu... Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn được coi là quan trọng hàng đầu.
Ngay trong hội nghị lần thứ mười ba, Ban Thường vụ Thành ủy đã trình xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về dự thảo chỉ thị siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm cán bộ, công chức trong xử lý công việc. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ rõ thực trạng: Vai trò, trách nhiệm, năng lực của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị còn yếu kém, thiếu quyết liệt, thiếu sâu sát, sa đà vào công việc có tính sự vụ, thiếu tầm nhìn, tư duy chiến lược; chưa thể hiện rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Chưa kể, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức tham mưu, giúp việc có tâm lý “bàn lùi”, “không làm thì không sai”...
Do đó, yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện kế hoạch đầu tư công của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội không chỉ cần thực hiện nghiêm mà còn cần thực hiện ngay. Việc thực hiện phải nhằm tạo nên cú hích thực sự trong 6 tháng tới. Bởi nếu muốn đạt tỷ lệ giải ngân cao, toàn thành phố phải cố gắng gấp 2, gấp 3 lần 6 tháng đầu năm.
Muốn làm được điều đó, các cơ quan, đơn vị liên quan cần tập trung tháo gỡ vướng mắc do khách quan cho các dự án nhằm bảo đảm tiến độ giải ngân, đáp ứng nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ triển khai hoặc khởi công các dự án đã đủ thủ tục. Cơ hội sớm nhất để tháo gỡ các vướng mắc này là tại kỳ họp HĐND thành phố tháng 7 tới, nên tăng tốc hoàn thiện các nội dung tờ trình như điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023 (lần 2) là nhiệm vụ trước mắt phải làm nhanh.
Giải pháp mấu chốt là cần có đợt rà soát tổng thể các dự án theo kế hoạch để làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ. Nên chăng có thể thành lập tổ công tác đặc biệt để làm việc này. Nếu vì lý do chủ quan, thành phố cần có chế tài xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Kết quả giải ngân dự án đầu tư công phải được coi là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2023 của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi và người đứng đầu các cấp chính quyền. Đó là điều tiên quyết, cần được thực hiện nghiêm túc!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.