(HNM) - Đầu tư công có vai trò quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng cũng như góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, kết quả giải ngân nguồn vốn này trong thời gian qua chưa như mong muốn, cần theo dõi sát diễn biến, nâng cao tinh thần tự giác và trách nhiệm của mỗi đầu mối, chủ dự án nhằm tích cực thúc đẩy tiến độ giải ngân trong thời gian tới.
Kết quả và thực trạng
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt 22,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2022 (22,37%).
Có 8 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25%. Nhưng cũng có 39/52 bộ, cơ quan trung ương và 16/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 15%; trong đó 32 bộ, cơ quan trung ương và 5 địa phương chỉ giải ngân được dưới 10% kế hoạch vốn.
Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, nguyên nhân giải ngân chậm chủ yếu do việc chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án chưa tốt, dẫn đến dự án chưa đủ điều kiện giao vốn. Thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư mất nhiều thời gian, nhất là thủ tục phê duyệt thiết kế, đấu thầu, giải phóng mặt bằng. Năng lực một số nhà thầu, tư vấn yếu kém dẫn đến chất lượng tư vấn, chuẩn bị hồ sơ hạn chế.
Việc cập nhật, rà soát, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng chưa phản ánh kịp thời sự thay đổi của thị trường. Giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng thay đổi, làm tăng chi phí ảnh hưởng đến khâu thi công.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, các loại nguyên, vật liệu có thể thiếu hụt gây bị động và ảnh hưởng không nhỏ, làm tăng chi phí của nhà thầu. Trong khi đó, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm chủ yếu do vướng mắc về xác định giá đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; sự chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành... làm hạn chế kết quả giải ngân.
Thực hiện hệ thống giải pháp đồng bộ
Trước thực trạng trên và xuất phát từ yêu cầu tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ đang theo sát tình hình, chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc, tìm cách giải quyết các vấn đề và tích cực thúc đẩy giải ngân. Theo đó, hầu hết các tỉnh, thành phố đều chủ động hơn trong công tác này. Đơn cử, để tránh tình trạng giải ngân đầu tư công thấp, gây ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, tỉnh Bình Dương đã đề ra hàng loạt giải pháp và quyết liệt đôn đốc giải ngân ngay từ đầu năm. Tỉnh cũng đặt mục tiêu giải ngân được 25% nguồn vốn trong mỗi quý. Bên cạnh đó, Bình Dương sẽ đánh giá lại tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại các dự án, đồng thời xem xét chuyển vốn từ dự án giải ngân thấp sang dự án có khả năng giải ngân cao.
Trong khi đó, đại diện một số cơ quan, đơn vị hữu quan tại thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất cho phép tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công trên địa bàn. Việc này giúp các cơ quan quản lý có thể bảo đảm đủ điều kiện ban hành quyết định thu hồi đất ngay cả khi các giai đoạn khác của quá trình phê duyệt, quyết định và triển khai dự án đầu tư công chưa hoàn tất. Như vậy sẽ dễ làm và tiết kiệm thời gian hơn so với cách làm tuần tự như từ trước đến nay.
Một số chuyên gia cũng gợi ý, Chính phủ, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp khẩn trương nắm bắt diễn biến thực tế để xóa bỏ các rào cản, giải quyết vướng mắc về cơ chế, giá cả vật liệu nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; hoàn thành kế hoạch cả năm 2023. Nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước sẽ giúp GDP tăng thêm 0,058%. Đặc biệt, trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm gây ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam thì đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp hiệu quả nhằm phục hồi, nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.
Trong một động thái mới nhất, Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác số 1 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại Hội nghị trực tuyến với một số địa phương. Trong đó, yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; phát huy vai trò của cán bộ, phân công rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, chất lượng công việc để kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện.
Liên quan đến nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu ý kiến, cần xác định tầm quan trọng và trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị; nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giải ngân. Trên thực tế, với cùng một cơ chế, quy định như nhau nhưng có nơi kết quả hạn chế, trong khi nơi khác lại đạt kết quả khả quan thì nguyên nhân là do sự quan tâm sâu sát của cấp lãnh đạo…
Đồng thời, có chế tài xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Cấp có thẩm quyền cần kịp thời đánh giá tình hình, thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, cung cách làm việc trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực; kiên quyết xử lý hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.