(HNMO) - Chiều 1-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ nội dung liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công mà các đại biểu nêu.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng xác định đây là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng trong quá trình thực hiện để góp phần phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Từ đầu năm 2022 đến nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt chỉ đạo và ban hành 16 nghị quyết, 6 công điện, 2 chỉ thị, tổ chức 4 hội nghị trực tuyến và duy trì 5 tổ công tác liên tục của Chính phủ và các bộ trưởng đôn đốc công tác giải ngân.
Các thành viên Chính phủ trực tiếp làm việc với các địa phương để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn. Riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành 7 công điện, 6 văn bản đôn đốc hướng dẫn và trực tiếp làm việc với rất nhiều địa phương để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn. Nhờ đó, tỷ lệ giải ngân của các năm gần đây đã có tiến bộ rất tích cực. Tinh thần chung, Thủ tướng Chính phủ vẫn chỉ đạo quyết tâm phấn đấu đạt 95% kế hoạch.
Về các giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã nhận diện những tồn tại, hạn chế trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, giải phóng mặt bằng chậm, thời gian điều chỉnh dự án lâu, điều chỉnh nhiều lần; năng lực của ban quản lý dự án, năng lực nhà thầu cũng như trách nhiệm và sự vào cuộc của người đứng đầu còn hạn chế. Năm 2023, chỉ có một số đặc thù, đó là quy mô vốn đầu tư công năm 2023 lớn hơn các năm (710.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 23%); các yếu tố phát sinh về giá, nguyên - nhiên vật liệu đầu vào trực tiếp ảnh hưởng đến xây dựng; tình trạng một số bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, làm cho các thủ tục kéo dài...
Để đẩy nhanh vấn đề này, Bộ trưởng nêu một số giải pháp như rà soát lại quy định pháp luật, trong đó có Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn, khâu nào có thể đẩy nhanh và rút ngắn, sẽ kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đẩy mạnh hoạt động của các tổ công tác; đẩy nhanh tiến độ công việc liên quan đến kiểm đếm, giải phóng mặt bằng. Kịp thời rà soát, điều chuyển vốn dự án triển khai chậm sang dự án triển khai nhanh; điều chuyển cán bộ có tâm lý né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Trước đó phát biểu tại hội trường, đại biểu Cầm Hà Chung (Đoàn Phú Thọ) góp ý về việc giao danh mục và mức vốn cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giao điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn, vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đáng lưu ý, đại biểu Cầm Hà Chung đề nghị cần có giải pháp khắc phục tình trạng chậm trễ. Đối với các dự án đã được phân bổ vốn, cần phải rà soát, đánh giá đúng thực trạng giải ngân, nếu không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân thì thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn. Đối với các dự án chưa đủ điều kiện phân bổ thì điều chuyển cho các dự án còn thiếu vốn, có khả năng hoàn thành và giải ngân trong năm 2023. Đồng thời xem xét bố trí nguồn để thu hồi vốn ứng trước theo nguyên tắc các dự án sử dụng nguồn lực của ngân sách trung ương thì Trung ương bố trí nguồn để thực hiện, số còn lại mới chuyển vào dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong phiên thảo luận đã có 19 đại biểu phát biểu, còn 17 đại biểu đăng ký nhưng chưa phát biểu, đề nghị gửi văn bản đến ban thư ký để tổng hợp ý kiến. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ để xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh các dự thảo Nghị quyết kỳ họp trình Quốc hội xem xét, thông qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.