(HNM) - Lần đầu tiên Giải Vô địch bóng đá chuyên nghiệp quốc gia (V.League) có Trưởng BTC là người nước ngoài - ông Tanaka Koji (Nhật Bản). Nhiều người cho đó là bước đột phá về tư duy
Khi mời chuyên gia Nhật Bản tham gia điều hành V.League, hiển nhiên là Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) mong muốn nhiều điều, trong đó, quan trọng nhất là hy vọng tân Trưởng BTC V.League điều hành giải khá hơn các vị tiền nhiệm, những người thường làm việc bằng kinh nghiệm. Nhật Bản đã có gần 20 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, đã vỡ ra nhiều bài học khi "lên chuyên", giờ đã có nền bóng đá hàng đầu châu lục với một giải vô địch quốc gia giàu tính cạnh tranh, đẻ ra tiền. Vì thế, việc VPF mời chuyên gia Nhật Bản tham gia điều hành V.League cũng là hợp lý. Về lý thuyết, một Trưởng BTC người nước ngoài sẽ không vướng bận với những mối quan hệ "nhằng nhịt", "duy tình" vốn có trong làng bóng đá Việt Nam và vì thế có thể đưa ra các quyết định mang tính khách quan mà không ngại đụng chạm. Bên cạnh đó, các chuyên gia nước ngoài, nhất là người Nhật Bản, nổi tiếng tôn trọng nguyên tắc làm việc, có thể tạo dựng một cách vận hành tích cực cho bóng đá Việt Nam. Ít nhất thì người ta không còn ngại rằng người cầm cân nảy mực xa rời mục tiêu thúc đẩy chất lượng của giải đấu quan trọng nhất.
Ông Tanaka Koji chính thức ký hợp đồng với VPF. |
VPF mong muốn là vậy nhưng chính người trong cuộc, tân Trưởng BTC giải Tanaka Koji lại tỏ ra thận trọng khi nhận nhiệm vụ. Thận trọng từ cách ông lựa chọn hợp đồng có thời hạn 1 năm thay vì 2 năm. Thận trọng khi đề cập đến mục tiêu và hiệu quả làm việc trong thời gian tới. Trong buổi ký hợp đồng với VPF, ông Tanaka Koji không đưa ra tuyên bố "đao to búa lớn". Thay vào đó, ông nói rằng sẽ cần phải có sự cộng tác của nhiều phía thì mới có thể làm việc hiệu quả, đưa giải đấu đúng chất chuyên nghiệp. Và như chính Tanaka Koji thừa nhận, ông cần có thời gian để tìm hiểu khó khăn thực sự của bóng đá Việt Nam hiện nay.
Sự thận trọng của tân Trưởng BTC V.League là điều cần thiết. Người bạn thân của ông là Tanabe, từng có thời gian làm trợ lý điều hành giải bóng đá chuyên nghiệp cho Tổng Giám đốc VPF nhưng cũng chỉ ở Việt Nam một thời gian rồi về nước với những lý do rất chung chung mà chỉ người trong cuộc mới rõ. Ông Tanaka Koji kể rằng, người bạn thân Tanabe đã cho biết những "vấn đề" của bóng đá Việt Nam, những điều mà chỉ khi "va vào thực tế" thì ông mới có thể nắm rõ ngóc ngách.
Dư luận cho rằng, sự thận trọng của tân Trưởng BTC V.League là hợp lý, đơn giản bởi yêu cầu nâng cao chất lượng, tạo bước đột phá trong công tác quản lý, điều hành V.League không phải là nhiệm vụ đơn giản. Khó khăn lớn nhất là môi trường bóng đá Việt Nam không rõ tính chuyên nghiệp ở mọi khâu, khác hẳn so với Nhật Bản. Bóng đá Việt Nam còn thiếu nhiều thứ để trở thành nền bóng đá chuyên nghiệp thực thụ, trong đó, điều quan trọng nhất là bóng đá vẫn chưa làm ra tiền để có thể tự nuôi mình. Khán giả chưa thiết tha với bóng đá "nội", nguồn thu từ bản quyền truyền hình giải đấu cũng như khai thác thương hiệu rất thấp, các CLB được tổ chức và quản lý theo mô hình tự phát, có thể "biến mất" bất cứ lúc nào… Bởi thế, trong bối cảnh đó, kể cả khi đã có chuyên gia Nhật Bản tham gia điều hành V.League thì không ai dám kỳ vọng vào một sự thay đổi tức khắc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.