Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sử dụng hiệu quả, đúng mục đích

Chí Kiên| 25/06/2020 06:07

(HNM) - Nhà sinh hoạt cộng đồng rất cần thiết với mỗi người dân, mỗi khu dân cư, bởi đó là nơi hội họp, giao lưu, tổ chức các hoạt động tập thể... Ở chốn đô thị “đất chật người đông” thì nhu cầu này càng cấp bách, tuy nhiên, các chung cư tái định cư xây dựng từ nhiều năm về trước lại chưa có không gian này.

Tình trạng chung cư tái định cư "trắng" nhà sinh hoạt cộng đồng bắt nguồn từ nguyên nhân khách quan, vì trước khi có Luật Nhà ở ban hành năm 2005, việc này chưa được quy định. Qua quá trình người dân đến sinh sống, sự bất tiện đã nảy sinh do không có nơi hội họp để bàn bạc việc chung. Vì thế, các hoạt động tập thể gắn kết cộng đồng cũng bị ảnh hưởng.

Nhận thấy rõ những bất cập này, thành phố Hà Nội đã kịp thời có giải pháp khắc phục. Đó là cho phép chuyển đổi công năng sử dụng một phần diện tích kinh doanh dịch vụ thuộc sở hữu nhà nước tại chung cư tái định cư làm nhà sinh hoạt cộng đồng. Chủ trương này đã, đang được các đơn vị chức năng của thành phố triển khai quyết liệt, hiệu quả, với 117/176 tòa chung cư tái định cư đã được bố trí và bàn giao nhà sinh hoạt cộng đồng. Sự quan tâm kịp thời đó của thành phố khiến người dân phấn khởi và đồng tình cao.

Thực tế, hiện vẫn còn những tòa chung cư chưa bố trí được nhà sinh hoạt cộng đồng do gặp một số vướng mắc như cư dân kiến nghị chuyển đổi diện tích khác phù hợp hơn; chờ thu hồi diện tích kinh doanh dịch vụ… Có thể thấy, đây là những vướng mắc nằm trong “tầm tay” giải quyết của cư dân và cơ quan chức năng. Do đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể để sớm có tiếng nói chung sẽ là yếu tố quyết định khắc phục nhanh nhất vấn đề này. Còn với chung cư không có diện tích kinh doanh dịch vụ để chuyển đổi, các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần khẩn trương xem xét bố trí địa điểm phù hợp và phải đạt được sự đồng thuận của người dân.

Các “điểm nghẽn” đã, đang từng bước được tháo gỡ. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là trách nhiệm quản lý nhà sinh hoạt cộng đồng của chính quyền địa phương (nơi có tòa chung cư tái định cư) và cư dân (chủ thể sử dụng) khi đã được bàn giao công trình. Do vậy, ngành chức năng và các địa phương liên quan cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giám sát để bảo đảm việc quản lý, sử dụng nhà sinh hoạt cộng đồng đúng quy định; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sử dụng không đúng mục đích.

Với cộng đồng cư dân, khi tiếp nhận công trình phải sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, không sử dụng để kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Quá trình vận hành, cùng với sự hỗ trợ của thành phố (nếu có), cộng đồng cư dân cần đoàn kết, chủ động, tích cực đóng góp công sức, kinh phí bảo trì, tôn tạo để công trình hoạt động hiệu quả nhất.

Một việc rất quan trọng nữa là phải xây dựng kế hoạch hoạt động cho nhà sinh hoạt cộng đồng. Ngoài nhu cầu hội họp thường kỳ, có thể đan xen tổ chức các sự kiện cộng đồng ý nghĩa, thiết thực nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho cư dân. Cùng với sự vào cuộc của ban quản trị tòa nhà, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương cần tích cực triển khai các chương trình thông tin chuyên đề, văn hóa, văn nghệ… để thu hút cư dân tham gia.

Sức sống của nhà sinh hoạt cộng đồng sẽ được duy trì khi mỗi người dân và cả cộng đồng dân cư cùng có ý thức sử dụng hiệu quả, đúng mục đích. Chỉ như vậy, việc thành phố bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng cho cư dân ở nhà tái định cư mới thực sự phát huy được ý nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng hiệu quả, đúng mục đích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.