(HNM) - Đường dây nóng Báo Hànộimới (043.8247615 và 0984316316) tiếp nhận thông tin của bạn đọc xã Văn Bình (huyện Thường Tín) phản ánh:
Tìm hiểu được biết, ngày 3-1-2007, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ra Quyết định số 14/QĐ-UBND, thu hồi 22.007m2 đất tại thôn Văn Giáp, xã Văn Bình (huyện Thường Tín) để thực hiện dự án xây dựng Trường CĐKT-CNBK. Sau khi chủ dự án nhận bàn giao đất tháng 7-2007, UBND huyện Thường Tín có Quyết định số 2616/QĐ-UBND ngày 24-10-2007, phê duyệt quy hoạch chi tiết sử dụng đất dự án gồm: 2 dãy nhà lớp học 5 tầng, 2 dãy nhà ký túc xá 5 tầng, 1 dãy nhà hiệu bộ, 1 dãy nhà thư viện, 2 dãy nhà xưởng, nhà để xe giáo viên, sinh viên..., thời gian hoàn thành dự án trong năm 2010. Ngày 31-10-2007, UBND huyện Thường Tín cấp Giấy phép xây dựng số 33 cho Trường CĐKT-CNBK, gồm các hạng mục: Nhà lớp học 5 tầng có tổng diện tích sàn 3.268m2 , 1 nhà xưởng 960m2 , 2 nhà để xe học sinh, 2 nhà để xe giáo viên, nhà bảo vệ, cổng, tường rào... Tháng 8-2009, chủ đầu tư xin gia hạn, điều chỉnh giấy phép xây dựng với nội dung "xây dựng mới 3 nhà xưởng (thay cho 1 nhà xưởng như trong giấy phép), mỗi xưởng có diện tích xây dựng 720m2, 1 tầng"...
Nhưng quá thời hạn 2 năm, dự án Trường CĐKT-CNBK mới san lấp mặt bằng, xây dựng 1.720m2 nhà xưởng, 1 trạm biến áp 400KVA. Trong đó, một nhà xưởng để máy móc, thiết bị phục vụ cho việc dạy thực hành nhưng chỉ là những cột sắt chống đỡ mái tôn, được sử dụng làm nơi chứa xe chở rác của Công ty cổ phần Môi trường đô thị Toàn Cầu (Thường Tín). Khuôn viên sân trường um tùm cỏ dại, không có cổng, tường rào, nhà bảo vệ... Tháng 9-2012, UBND huyện Thường Tín thành lập đoàn công tác kiểm tra việc thực hiện dự án Trường CĐKT-CNBK. Báo cáo của đoàn công tác cho biết: Chủ đầu tư đã cam kết tiếp tục xây dựng các hạng mục còn lại và dự án sẽ triển khai hoạt động trong quý II-2013... Tuy nhiên, hết quý II-2014, dự án xây dựng Trường CĐKT-CNBK mới chỉ có một số hạng mục được xây dựng thêm như: Tường rào, cổng, nhà bảo vệ, khu văn phòng. Còn hạng mục nhà lớp học 5 tầng, nhà để xe giáo viên, sinh viên chưa được xây dựng.
Để xác minh thông tin, ngày 2-6, phóng viên Báo Hànộimới đã tới Trường CĐKT-CNBK (tại xã Văn Bình) để đặt lịch làm việc. Sau nhiều ngày liên lạc ngày 12-6 phóng viên mới được làm việc với đại diện nhà trường. Ông Trần Đăng Trung - cán bộ quản lý hành chính Trường CĐKT-CNBK cho biết: "Do điều kiện kinh tế suy thoái nên tiến độ xây dựng trường bị chậm trễ và hiện nay thiết kế cũ không còn phù hợp. Nhà trường đang xin điều chỉnh lại quy hoạch để tiếp tục triển khai nhằm bảo đảm tiến độ"(?). Về thông tin nhà trường cho một số cá nhân, doanh nghiệp thuê lại đất, ông Trung cho biết: Do nhà trường chưa triển khai được dự án nên đã ký hợp đồng kinh tế cho Công ty Môi trường đô thị Toàn Cầu để xe (?). Hiện, nhà trường đã có văn bản gửi công ty về việc chấm dứt cho để xe, chậm nhất vào ngày 1-8-2014. Nhà trường không cho thuê lại đất để sử dụng vào mục đích khác, mà chỉ liên kết với Công ty TNHH Hưng Thịnh để đào tạo nghề sửa chữa ô tô vận tải; Công ty Thịnh Hưng Quang, có trụ sở chính ở TP Hồ Chí Minh, để đào tạo nghề làm thân vỏ ô tô; Công ty Hoàng Kiên, trụ sở ở xã Văn Bình huyện Thường Tín, để đào tạo nghề kết cấu thép...
Đối với thông tin nhà trường xây dựng công trình sai phép, ông Trung thừa nhận là đúng như bạn đọc phản ánh. Về vấn đề này, ông Dương Đình Tiêu, Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng (TTXD) huyện Thường Tín cũng khẳng định: Ngày 28-5-2014, sau khi kiểm tra, phát hiện Trường CĐKT-CNBK đang thi công phần móng nhà xưởng, nhưng công trình xây dựng sai nội dung giấy phép được cấp, Đội TTXD huyện đã phối hợp với UBND xã Văn Bình lập biên bản vi phạm hành chính. Ngày 12-6, UBND xã Văn Bình ra quyết định đình chỉ xây dựng công trình sai phép của Trường CĐKT-CNBK…
Thực tế cho thấy dự án xây dựng Trường CĐKT-CNBK tại xã Văn Bình, huyện Thường Tín chậm tiến độ, xây dựng sai phép và sử dụng đất chưa đúng mục đích là có cơ sở. Ngoài ra, việc nhà trường liên kết với một số công ty để đào tạo nghề cho học sinh, sinh viên, rất cần được các cơ quan chức năng TP Hà Nội, UBND huyện Thường Tín sớm kiểm tra, làm rõ, để giải tỏa bức xúc trong nhân dân, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.