Có những câu chuyện xúc động lần đầu tiên được kể tại talkshow “Đến ngày hòa bình” qua lời của những nhân chứng sống. Thông qua đó, mỗi người con đất Việt, đặc biệt là giới trẻ lại càng thêm hiểu và yêu lịch sử đấu tranh giữ nước hào hùng của dân tộc, càng biết trân trọng hơn những gì đang có ở hiện tại.
Chặng đường đến ngày chiến thắng 30-4-1975 là một hành trình đầy gian nan và khó nhọc. Có những giọt mồ hôi đã rơi, những giọt nước mắt lăn dài, những giọt máu đã thấm đẫm vào đất và không ít người lính đã ngã xuống, để lại một phần cơ thể nơi chiến trường ác liệt. Các khách mời dường như được sống lại những kỷ niệm không thể nào quên về con đường tới thời khắc lịch sử ấy qua chương trình “Ký ức Việt Nam” với chủ đề “Đến ngày hòa bình”.
Họ là nhà văn Phạm Việt Long – Tác giả tiểu thuyết tư liệu “B trọc”, Giải B về văn xuôi do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao năm 2000; nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, người chụp ảnh xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập. Ngoài ra, góp mặt trong chương trình còn có cựu chiến binh Ngô Sỹ Nguyên, pháo thủ 1, xe tăng 390, chiếc xe đã húc đổ cổng Dinh Độc Lập.
Khách mời chương trình Ký ức Việt Nam: Bên trái là cựu chiến binh Ngô Sỹ Nguyên, bên phải là nhà văn Phạm Việt Long, ở giữa là nhà báo Trần Mai Hưởng. Nguồn: VTV |
Là những người trực tiếp tham gia chiến trường, ai trong số họ cũng đều có những xúc cảm in đậm trong lòng. Với nhà báo Trần Mai Hưởng, những ngày đầu nhận tin Thông tấn xã Việt Nam cử tham gia chiến trường Quảng Trị, ông có cảm giác náo nức và hồi hộp. Chàng thanh niên ở tuổi 20 thời ấy tràn đầy nhiệt huyết lên đường như một lẽ tự nhiên và coi đó vừa là thách thức, nhưng là một sự hấp dẫn kỳ lạ khi được góp chút công sức vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Cuối những năm 1960, đầu năm 1970, cuộc chiến tranh chống quân xâm lược bước vào giai đoạn vô cùng khốc liệt, những tân binh như nhà báo Trần Mai Hưởng, nhà báo Phạm Việt Long rời nơi mình đang sống khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc với lòng dũng cảm để hành quân vào trận địa. Sân ga Hà Nội và nhiều nơi khác khi ấy lại là nơi chứng kiến những cuộc chia tay với lời hẹn ngày trở về để bắt đầu hành trình xẻ dọc Trường Sơn, dù đường đến hòa bình vẫn còn nhiều gian nan ở phía trước.
Cũng trong chương trình, nhà văn Phạm Việt Long chia sẻ lý do tại sao đặt tiêu đề cho cuốn tiểu thuyết của mình là “B trọc”. Thời ông ra trận, ở đội ngũ dân sự có hai lớp người ra trận. Một là người có gia đình, hai là những người trẻ chưa lập gia đình. Nhẹ tênh bước vào chiến trường, họ ra đi trong khi chưa có một mảnh tình thời thanh xuân. “Đi B" là hành quân vào chiến trường miền Nam chiến đấu và “B trọc" chính là những cán bộ chiến sỹ ngày ấy đã vượt Trường Sơn, lên đường làm nhiệm vụ, tất cả vì sự nghiệp độc lập, thống nhất nước nhà.
Trong cuộc chiến đầy hiểm nguy chẳng thể lường trước, tác giả - một “B trọc" - nhận ra xung quanh mình, tất cả mọi người đều bình tĩnh chấp nhận một cách tự nguyện và sẵn sàng chiến đấu. Bởi lẽ, không còn cách nào khác, ông nhận thức được vai trò trách nhiệm của bản thân với sự nghiệp chung của đất nước.
Nhà văn Phạm Việt Long. Nguồn: VTV |
Bức tranh về những người trẻ thời chiến trong chương trình “Ký ức Việt Nam” số đặc biệt “Đến ngày hòa bình” chỉ là một trong số hàng nghìn câu chuyện truyền cảm hứng tới khán giả về tình yêu quê hương đất nước. Thông qua 10 chủ đề trong năm 2019 với thông điệp xuyên suốt: “Ký ức Việt Nam - Lăng kính gắn kết thế hệ” cùng những ký ức và nhiều câu chuyện xúc động, chương trình đã và đang thực hiện sứ mệnh là cầu nối gắn kết mỗi người dân Việt lại với nhau thông qua lịch sử đáng tự hào của dân tộc. Từ đó khẳng định sự tiếp nối của dòng chảy thời gian giữa quá khứ - hiện tại - tương lai, sự gắn kết bền chặt giữa thế hệ đi trước với thế hệ hiện tại, sự thấu hiểu trong từng gia đình, suy rộng ra là sự vận động và phát triển ngày càng mạnh mẽ của đất nước.
Với kho tư liệu phim tài liệu phong phú và chân thực về đất nước, con người Việt Nam những năm 1964 - 1981, chương trình đã chạm được đến trái tim của khán giả trên toàn quốc, đặc biệt là các khán giả trẻ. Họ là thế hệ tiên phong cho sự lớn mạnh của dân tộc, do đó, thành công của “Ký ức Việt Nam” đã khơi dậy được lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, con người trong họ.
Xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập. Nguồn: VTV |
Khán giả Văn Bình đã có những chia sẻ sau khi xem trực tiếp chương trình: “Cách đây 10 năm, ngày 30-4 và 1-5 trong mắt một đứa trẻ như tôi, nó đơn giản là một ngày thật nhiều cờ hoa, ngày mà tôi không phải đi học. Niềm tự hào đối với tôi lúc bấy giờ đơn giản chỉ là những bài thơ, bài ca, những câu chuyện tôi được nghe từ bà và mẹ. Phải đến những năm gần đây, khi lớn hơn một chút, đọc lại những câu chuyện nhỏ ghép lại một quãng đường oanh liệt của dân tộc, niềm tự hào của tôi mới thực sự thấm đượm những đau thương được viết lên bằng máu, bằng tuổi trẻ, bằng niềm tin, sự hy sinh của các anh hùng dân tộc và bà mẹ Việt Nam phi thường”.
Trong khi đó một khán giả có tên Việt Phong bày tỏ: “Thế hệ trẻ như tôi chỉ được nghe về những đêm “mưa dầm, cơm vắt”, “cháo bẹ, rau măng”. Nhưng tôi biết, để có ngày hôm nay phải trải qua những ngày gian khổ như thế”.
Đặc biệt, talkshow “Đến ngày hòa bình” đã thu hút đông đảo sự quan tâm của khán giả với hàng ngàn lượt yêu thích, chia sẻ và bình luận. Điều đó càng khẳng định những thành công về sức lan tỏa nhất định mà chương trình mang lại.
“Ký ức Việt Nam” là dự án truyền thông của VTV cùng nhà tài trợ Novaland với mong muốn làm “sống dậy” những thước phim về đất nước, con người Việt Nam giai đoạn 1964 - 1981. Thông qua đó, người xem, đặc biệt là giới trẻ, như được sống lại với những thời khắc lịch sử trọng đại. Phim nằm trong kho phim tư liệu thời chiến tranh của Hãng Truyền hình Nhật Bản NDN và đã được Đài Truyền hình Việt Nam VTV mua bản quyền. “Mong muốn của chúng tôi là buổi tối, sau một ngày bận rộn, sau ngập tràn những thông tin mà bạn tiếp nhận trong ngày, bạn lướt mạng không phải để tìm đến những thông tin xấu độc hay giải trí đơn thuần, “Ký ức Việt Nam” sẽ giúp bạn có những phút lắng đọng và miên man theo chiều dài lịch sử để biết trân trọng hơn những gì mà chúng ta đang có ngày hôm nay. Nhân đây chúng tôi cũng xin được cảm ơn Novaland với tư cách là đơn vị đồng hành đã cùng ê kíp sản xuất nội dung số của Đài THVN làm hồi sinh dự án Ký ức Việt Nam để phục vụ các bạn trẻ trên môi trường Internet”, chia sẻ của nhà báo Lê Quang Minh - Giám đốc Trung tâm Tin tức VTV24, Chủ tịch Hội đồng Tin tức số, Đài Truyền hình Việt Nam. * Hiện tại, “Ký ức Việt Nam” đang được phát sóng vào 21h, thứ 2, 4, 6 hằng tuần, trên báo điện tử VTV News và các nền tảng số của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) (Fanpage Báo Điện tử VTV News, Fanpage Thời sự VTV, Fanpage Trung tâm Tin tức VTV24 và Kênh Youtube VTV24). |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.