Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sớm tháo gỡ ''điểm nghẽn''

Đỗ Quỳnh Chi| 22/05/2022 06:10

(HNM) - Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam xác định xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số là một nhiệm vụ cần ưu tiên. Thế nhưng, để mục tiêu trên đạt kết quả cao thì việc tháo gỡ những “điểm nghẽn”, trong đó có việc chia sẻ dữ liệu là vấn đề cần đặc biệt quan tâm.

Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước đã nhấn mạnh vào nội dung “dữ liệu số”, thể hiện tinh thần chia sẻ dữ liệu sẽ là nền tảng để phát triển, hướng tới chính phủ số. Đến nay, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước bước đầu phát huy hiệu quả trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Hằng ngày, có khoảng 200.000 giao dịch thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Tuy nhiên, theo Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, chưa phát huy tối đa giá trị của các cơ sở dữ liệu. Một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn phản ánh có những khó khăn, vướng mắc trong kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Đáng lưu ý, tình trạng “số mà vẫn giấy” là thực trạng đang tồn tại khiến người dân còn băn khoăn khi thực hiện các thủ tục hành chính, từ xin nhập học, đến mua đất, xây, sửa nhà... Đặc biệt, người dân vẫn phải khai báo, cung cấp dữ liệu nhiều lần khi thực hiện thủ tục hành chính đã cho thấy những vướng mắc trong quá trình chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước.

Để khơi thông “dòng chảy” về chia sẻ dữ liệu, việc đầu tiên cần làm là đẩy nhanh quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số. Trong đó, cần sớm ban hành thống nhất, đồng bộ các quy định về chia sẻ dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân, xác thực điện tử… đi kèm với việc bổ trợ kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp xử lý lĩnh vực này cũng như tuyên truyền để người dân nắm bắt và sử dụng được các tiện ích liên quan.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26-4-2022 về phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trong đó yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sớm công khai danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung, danh mục các dịch vụ chia sẻ dữ liệu; hạn chế cung cấp thông tin bằng văn bản đối với thông tin đã được khai thác qua hình thức kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống. Thủ tướng yêu cầu không thu thập lại dữ liệu hoặc yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin, dữ liệu khi thực hiện thủ tục hành chính nếu thông tin, dữ liệu đó đã được cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ…

Đồng thời sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành để kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, trước hết là các cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, thuế, hải quan, ngân hàng, giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế, giáo dục và an sinh xã hội.

Cùng với việc tìm hiểu, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, mỗi người dân khi thực hiện các giao dịch dân sự cũng cần đẩy mạnh giám sát các cơ quan hành chính khi được yêu cầu xuất trình thêm giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính. Đó cũng chính là góp phần tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong việc chia sẻ dữ liệu, hướng tới xây dựng chính phủ số, công dân số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sớm tháo gỡ ''điểm nghẽn''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.