(HNMO) - Chiều 4-7, các đại biểu HĐND TP Hà Nội chia thành 6 tổ, tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Thủ đô trong 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm 2018 và các báo cáo thường kỳ, chuyên đề được xem xét, thảo luận thông qua tại kỳ họp thứ sáu.
Các đại biểu thảo luận tại tổ. |
Đẩy mạnh việc xử lý nước thải, chất thải
Thảo luận tại tổ số 3, đại biểu Trần Thế Cương, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố cho rằng, việc công nhận chỉ tiêu, bình xét danh hiệu văn hóa mới vẫn còn hình thức, chưa đạt thực chất; tỷ lệ đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố về trường học, trạm y tế còn nhiều khó khăn, nhất là tỷ lệ trạm y tế của huyện Mỹ Đức chưa đạt theo kế hoạch.
Đại biểu Nguyễn Văn Hải, Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm quan tâm đến chỉ tiêu thu gom rác thải trong ngày và tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Văn Hải cũng đề cập đến công tác quy hoạch và cho rằng, công tác quy hoạch phải có dự báo, tránh trường hợp điều chỉnh nhiều lần, gây nhiều hệ lụy sau điều chỉnh.
Theo đại biểu Vũ Ngọc Anh, Phó Trưởng ban Đô thị, tỷ lệ xây dựng trạm xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp còn thấp, việc xử lý chất thải rắn xây dựng còn chưa hiệu quả, đề nghị thành phố có biện pháp khẩn trương đẩy mạnh việc xử lý nước thải, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Bày tỏ vui mừng khi thành phố đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đại biểu Hoàng Mạnh Phú, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ cho rằng, tiềm năng, thế mạnh về lĩnh vực nông nghiệp của thành phố còn chưa được khai thác hết, chưa có nhiều thương hiệu nông nghiệp mạnh. Liên quan đến vấn đề sữa học đường, đại biểu Hoàng Mạnh Phú tán thành chủ trương của thành phố để nâng cao sức khỏe cho trẻ em, tuy nhiên, cần lựa chọn đơn vị cung cấp sữa đảm bảo về chất lượng dinh dưỡng, an toàn thực phẩm.
Góp ý cho lĩnh vực trật tự xây dựng, đại biểu Lê Cường, Bí thư Quận ủy Hà Đông cho rằng, thời gian qua, vấn đề này đã được xử lý có hiệu quả, với tinh thần quyết liệt. Ngoài ra, đại biểu cũng quan tâm đến vấn đề an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy tại các tòa chung cư.
Đại biểu Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố nhấn mạnh đến sự an toàn của người dân trong công tác phòng cháy chữa cháy. UBND thành phố đã chỉ đạo quyết liệt vấn đề này, trong đó chỉ đạo Công an thành phố vào cuộc để có hình thức xử lý đối với những sai phạm, đặc biệt là đối với những chủ đầu tư các tòa nhà chung cư vi phạm nghiêm trọng an toàn về phòng cháy chữa cháy.
Sớm khắc phục thực trạng thiếu trường học
Tại tổ 2, các đại biểu đặc biệt quan tâm, đóng góp ý kiến về lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Đại biểu Nguyễn Quang Thắng, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Văn hoá - Xã hội HNĐN thành phố nêu, qua giám sát cũng như qua nghiên cứu các báo cáo của UBND thành phố, tiến độ đầu tư xây dựng và việc công nhận trường đạt chuẩn quốc gia còn chậm. Tiến độ đầu tư xây dựng các dự án xã hội hoá giáo dục đào tạo cũng trong tình trạng tương tự. Hiện trạng thiếu trường học tại các khu đô thị chậm được khắc phục...
Trên cơ sở đó, đại biểu Thắng đề nghị UBND thành phố tập trung chỉ đạo đẩy nhanh việc xây dựng, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao; sớm có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu trường học tại khu đô thị.
Ngoài ra, UBND thành phố cũng cần có lộ trình, kế hoạch cụ thể trong 6 tháng cuối năm 2018 và năm 2019 để nâng cấp hơn 6.900 nhà vệ sinh tại các trường học trên địa bàn thành phố. Bởi hiện nay, nhiều nhà vệ sinh đã xuống cấp, không bảo đảm các điều kiện vệ sinh.
"Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2020, Hà Nội còn thiếu 314 trường mầm non, tiểu học và THCS. Số lượng trường không chỉ thiếu mà chất lượng cũng chưa được bảo đảm, khi tỷ lệ trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia hiện quá thấp" - đại biểu Hoàng Huy Được (Ba Vì) nêu thực trạng.
Theo đại biểu Hoàng Huy Được, việc thực hiện Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 từ tháng 3-2017 của Ban Chỉ đạo 197 thành phố về xử lý, giải quyết vi phạm trật tự công cộng, lòng đường, hè phố, sau một thời gian có chuyển biến tích cực thì hiện nay, tại địa bàn nhiều quận, huyện, vỉa hè đều bị tái lấn chiếm, không còn là của người đi bộ. Đại biểu kiến nghị Ban Đô thị HĐND thành phố giám sát cụ thể, kịp thời hơn để việc ra quân lập lại trật tự vỉa hè của thành phố không rơi vào cảnh "đầu voi đuôi chuột".
Ngoài ra, một số đại biểu khác trong tổ nêu nhiều kiến nghị đáng chú ý, như thành phố tập trung hoàn thành quy hoạch không gian ngầm Thủ đô; có giải pháp đồng bộ, bền vững, căn cơ để bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Ngay trong chiều nay, nội dung phát biểu ở tổ đã được tổng hợp gửi đến các cơ quan giải trình để được làm rõ bằng văn bản hoặc báo cáo rõ tại các phiên họp chính thức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.