Đô thị

Quốc hội thảo luận định hướng phát triển cho Huế và Hải Phòng

Việt Nga 21/11/2024 - 20:05

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều nay (21-11), các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương; dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.

toan-canh-chieu.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận hội trường. Ảnh: quochoi.vn

Thành phố Huế - đô thị di sản đầu tiên của Việt Nam

Cho ý kiến thảo luận, các đại biểu đều bày tỏ ủng hộ việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương. Theo các đại biểu, Thừa Thiên - Huế có bề dày lịch sử, là vùng đất văn hiến, văn hóa đặc sắc, là nơi duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á có 8 di sản được UNESCO ghi danh. Đây là yếu tố, tiêu chuẩn đặc thù để Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương với tính chất “đô thị di sản” đầu tiên của Việt Nam.

anh-tri-hn-hue.jpg
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội). Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, bên cạnh nguồn tài sản vô giá về vật chất và tinh thần, phải giữ gìn bản sắc văn hóa của Huế, xây dựng Huế trở thành thành phố festival tầm cỡ thế giới.

Nhấn mạnh những nét riêng, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, việc Quốc hội thông qua đề án sẽ tạo ra sức bật mới để thành phố Huế sớm trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu...

Tuy nhiên, Huế cũng phải đối diện với tình trạng chuyển đổi đất nông nghiệp, lâm nghiệp sang đất ở, đất đô thị và các mục đích sử dụng khác, do vậy, các cấp chính quyền phải quan tâm đến vấn đề này để có thể giữ được những nét riêng, nét đặc trưng vốn có.

viet-nga-hai-duong-hue.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương). Ảnh: quochoi.vn

Đây cũng là quan điểm của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương). Theo đại biểu Nga, việc thành phố Huế trực thuộc Trung ương tạo thêm điều kiện, động lực để Huế phát triển trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô, nhưng cũng cần phải coi trọng việc giữ gìn cảnh quan di sản lớn của Huế.

“Để giữ gìn cảnh quan, môi sinh, di sản, di tích, tôi mong muốn chính quyền thành phố quan tâm tạo cơ chế, chính sách để đẩy nhanh việc đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho người dân, nhất là người dân ở khu vực nông thôn, khu vực miền núi…”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề xuất.

le-truong-luu-hue-hue.jpg
Đại biểu Lê Trường Lưu (Đoàn Thừa Thiên - Huế). Ảnh: quochoi.vn

Cung cấp thêm thông tin, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu khẳng định, việc Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương không chỉ tạo động lực và sức bật mới cho địa phương mà còn tạo động lực cho cả vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Thừa Thiên - Huế xác định lộ trình phát triển là đô thị di sản, sinh thái, cảnh quan, môi trường và thông minh.

“Huế sẽ không phát triển đô thị với mật độ cao, đô thị nén để quyết hài hòa bài toán bảo tồn và phát triển”, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu nói.

Báo cáo, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc xem xét và quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương - thành phố di sản, văn hóa đầu tiên của Việt Nam, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Chính phủ đặc biệt quan tâm đến bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô, bản sắc văn hóa Huế, lấy bảo tồn là cốt lõi để xây dựng và phát triển.

“Chúng ta xác định đây là thành phố cố đô, đây là thành phố di sản văn hóa duy nhất của Việt Nam cho nên mục tiêu ưu tiên là phát triển đô thị xanh, hài hòa bản sắc, văn minh và hiện đại”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhận định.

Mô hình chính quyền đô thị giúp Hải Phòng trở thành “cực” tăng trưởng mới

ong-huan-binh-duong-hp.jpg
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương). Ảnh: quochoi.vn

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, các ý kiến đều cho rằng, mô hình này không mới và rất phù hợp với Hải Phòng.

Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương), xây dựng mô hình chính quyền đô thị Hải Phòng căn cứ từ thực tiễn là phục vụ nhu cầu phát triển ở cả vùng Đồng bằng sông Hồng. Hải Phòng sẽ là cực tăng trưởng mới và cùng với Hà Nội, hỗ trợ cho Hà Nội để dẫn dắt về kinh tế phía Bắc.

Đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn Hải Phòng) nhận định, mô hình chính quyền đô thị sẽ tác động và tạo cho Hải Phòng một bước tiến mới trên con đường phát triển.

db-hoa-dong-thap.jpg
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp). Ảnh: quochoi.vn

Còn đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, vì không có HĐND cấp quận, phường, nên cho phép thành phố Hải Phòng tăng thêm đại biểu HĐND cấp thành phố là hợp lý. “HĐND của thành phố sẽ chịu trách nhiệm thực hiện chức năng giám sát, đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình”, đại biểu Hòa nói.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân nêu thêm, hiện chưa có đánh giá về mô hình chính quyền đô thị một cấp của thành phố Hồ Chí Minh, hay mô hình HĐND thành phố Thủ Đức trong thành phố Hồ Chí Minh. Áp dụng HĐND thành phố thuộc thành phố liệu có làm giảm tính năng động, tính tự chủ của thành phố Hải Phòng hay không, khi HĐND thành phố Thủy Nguyên trong thành phố Hải Phòng được tự quyết một số những vấn đề, như ngân sách. "Đề nghị cơ quan soạn thảo nghị quyết giải thích thêm”, đại biểu Huân băn khoăn.

tra-noi-vu-hue.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: quochoi.vn

Trong phần tiếp thu, giải trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã giải đáp khá kỹ các ý kiến của đại biểu. Về tổ chức bộ máy của thành phố Thủy Nguyên, Bộ trưởng cho biết, Thủy Nguyên trong thời gian tới sẽ là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, xã hội của thành phố Hải Phòng.

Tuy nhiên, Thủy Nguyên có quy mô dân số cũng như tốc độ phát triển kinh tế không như thành phố Thủ Đức. Do vậy, việc thực hiện theo đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo phân loại đơn vị hành chính…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận định hướng phát triển cho Huế và Hải Phòng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.