Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sóc Sơn cần huy động mọi nguồn lực chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi

Đỗ Minh - Ảnh: Bá Hoạt| 24/05/2019 10:16

(HNMO) - Ngày 24-5, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-Ctr/TU của Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng kiểm tra tình hình sản xuất cây dược liệu tại xã Bắc Sơn và chốt kiểm dịch Trung Giã, huyện Sóc Sơn.

đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-Ctr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân giai đoạn 2016-2020” đã kiểm tra tình hình sản xuất cây dược liệu tại xã Bắc Sơn và chốt kiểm dịch Trung Giã, huyện Sóc Sơn. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cùng đi.


Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng và các thành viên đoàn kiểm tra  thăm khu trồng dược liệu tại xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn).


Tại buổi làm việc, UBND huyện Sóc Sơn đã báo cáo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy về kết quả Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy; việc phát triển, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện, đặc biệt là tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

Huyện Sóc Sơn hiện có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn thứ hai thành phố. Về chăn nuôi lợn, chủ yếu là nhỏ lẻ, quy mô nông hộ (tổng số 12.429 hộ chăn nuôi tại 26 xã, thị trấn), trong đó, quy mô trung bình dưới 10 con/hộ chiếm tỷ lệ lớn.

Về tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi, ngày 7-3-2019, Sóc Sơn phát hiện ổ bệnh đầu tiên tại xã Xuân Thu. Tính đến ngày 22-5, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 26/26 xã, thị trấn trên địa bàn huyện với tổng số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy là 44.578/122.657 con, chiếm 36,4% tổng đàn…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho rằng, các quận, huyện, thị xã, trong đó có huyện Sóc Sơn, cần quan tâm, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, trang trại, cơ sở chăn nuôi lớn; tuyệt đối không để bệnh lây lan ra các cơ sở chăn nuôi lớn. 

"Nếu bảo vệ được các cơ sở chăn nuôi lớn, Hà Nội không chỉ bảo đảm nguồn cung thực phẩm ổn định cho 10 triệu dân, mà còn có điều kiện sớm tái đàn sản xuất khi bệnh Dịch tả lợn đi qua", Phó Chủ tịch UBND thành phố lưu ý.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận buổi làm việc.


Cần có giải pháp lập vành đai chống bệnh dịch

Kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao kết quả thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy tại huyện Sóc Sơn. Cụ thể, huyện đã tập trung xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất, bảo quản, chế biến nấm ăn và nấm dược liệu; hình thành 5 khu sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ cao. 

Huyện cũng đã hỗ trợ giống, vật tư, máy sơ chế, khoa học kỹ thuật cho 9 xã (Hiền Ninh, Minh Trí, Minh Phú, Bắc Sơn, Xuân Giang, Trung Giã, Tiên Dược, Nam Sơn, Bắc Phú) sản xuất cây dược liệu với diện tích 66ha, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân.

Đồng chí ghi nhận việc huyện Sóc Sơn có 20/25 xã hoàn thành (5 xã còn lại đạt và cơ bản đạt 15-18 tiêu chí),  trong đó đã huy động từ nhân dân và nguồn xã hội hóa hơn 668 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Đời sống nhân dân đã được nâng cao, toàn huyện không còn nhà tạm, nhà dột nát, thu nhập bình quân đạt 43,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 1,88% theo chuẩn nghèo đa chiều…

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của huyện Sóc Sơn trong công tác phòng, chống dịch. Nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo, thành phố coi khống chế bệnh Dịch tả lợn châu Phi là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị trước mắt, các quận, huyện, thị xã, trong đó có huyện Sóc Sơn, cần tập trung huy động mọi nguồn lực để dập dịch. 

"Thành ủy đã có văn bản yêu cầu thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 34 - CT/TƯ của Ban Bí thư, lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền cần nêu cao tinh thần trách nhiệm; đồng thời, chịu trách nhiệm với cơ quan cấp trên về công tác phòng, chống bệnh trên địa bàn", đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, đồng chí yêu cầu, cấp ủy, chính quyền huyện Sóc Sơn cần tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống bệnh. 

Trong vùng đang xảy ra bệnh, cần khuyến cáo nhân dân tuyệt đối không được tái đàn hoặc nhập đàn mới; nghiêm cấm các cơ sở chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy do nhiễm bệnh tái đàn khi chưa công bố hết bệnh; triển khai đúng kế hoạch, yêu cầu kỹ thuật và phát động sự hưởng ứng tích cực của người dân trong thực hiện đồng bộ, hiệu quả các đợt vệ sinh, khử trùng, tiêu độc; hướng dẫn các hộ, gia trại, trang trại, cơ sở chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học…

Bên cạnh đó, huyện Sóc Sơn cần có giải pháp lập vành đai chống bệnh dịch như: Xác định các vị trí cắm chốt, cắm biên để ngăn chặn, không cho vận chuyển lợn vào khu vực thuộc địa bàn quản lý; thành lập đơn vị lưu động kiểm soát dịch bệnh và an toàn thực phẩm, không cho vận chuyển lợn, bán sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc trên địa bàn; tổ chức rà soát kỹ địa điểm chôn lấp, nghiêm cấm vứt lợn bị tiêu hủy không đúng quy định.

Ngoài ra, huyện cần chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, dụng cụ lấy mẫu, dụng cụ chuyên ngành và bảo hộ lao động trong quá trình phòng, chống, tiêu hủy lợn bệnh; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác (dại, cúm gia cầm, tai xanh…) theo quy định.

Tập trung chỉ đạo 5 xã còn lại phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới 

Đối với việc thực hiện Chương trình 02-Ctr/TU của Thành ủy, huyện Sóc Sơn cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, huy động sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, huyện cần tiếp tục mở rộng các vùng chuyên canh trồng cây dược liệu hữu cơ chất lượng cao ở những diện tích đất khó canh tác, phấn đấu đến năm 2020 đạt 50-70ha (tại các xã vùng đồi gò và một số xã có điều kiện sản xuất cây dược liệu) nhằm bảo tồn gen và tạo sản phẩm xuất khẩu kết hợp làm điểm tham quan, học tập phát triển nông nghiệp hữu cơ - sinh thái bền vững.

Đặc biệt, huyện cần duy trì các tiêu chí, các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; tập trung chỉ đạo 5 xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới để hết năm 2019, Sóc Sơn đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Đối với kiến nghị của huyện, đặc biệt là đề xuất liên quan đến kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới, mức hỗ trợ cán bộ thú y và những người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch bệnh, thực hiện tiêu hủy gia súc, gia cầm, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng giao các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, NN&PTNT nghiên cứu, tham mưu thành phố xem xét, hỗ trợ theo quy định; giao Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố tổng hợp các kiến nghị theo nhóm vấn đề, giao thành viên Ban chỉ đạo, lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố tập trung giải quyết từng kiến nghị của địa phương... 

*Trước đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cùng đoàn kiểm tra đã thăm khu trồng dược liệu tại xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn), thăm khu vườn bảo tồn giống trà hoa vàng pagoda - một loại dược liệu quý của Việt Nam.

Bắc Sơn là xã miền núi nằm phía Bắc của huyện Sóc Sơn. Đến nay, xã đã hình thành 1 hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn - tiền thân là Hội Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn được hình thành từ năm 2014. 

Mục tiêu của Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn là phát triển cây dược liệu định hướng hữu cơ, đạt chuẩn GACP-WHO quốc tế, từng bước mở rộng quy mô liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu, hướng tới hình thành các vùng sản xuất chuyên canh cây dược liệu chuẩn GACP-WHO quốc tế trên địa bàn huyện Sóc Sơn.

Từ 5ha dược liệu được trồng đầu năm 2014, đến nay, hợp tác xã đã phát triển diện tích sản xuất cây dược liệu với quy mô 21ha trên địa bàn xã Bắc Sơn và 5ha tại xã Xuân Giang với các loại cây dược liệu chủ lực như: Trà hoa vàng giống pagoda, caminea và các giống cây khác, xuyên khung, khôi tía, bạch hoa xà thiệt thảo, bán chi liên, phúc bồn tử, kỳ tử…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cùng đoàn cũng đã kiểm tra chốt kiểm dịch Trung Giã (xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn) - chốt kiểm dịch động vật lưu thông giữa Hà Nội và các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sóc Sơn cần huy động mọi nguồn lực chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.