(HNM) - Sau khi xuất hiện luồng ý kiến thể hiện sự băn khoăn về số lượng tiến sĩ và đề tài luận án tiến sĩ tại Học viện Khoa học xã hội, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ siết chặt việc quản lý đào tạo trình độ tiến sĩ trong thời gian tới.
Nhiều tiến sĩ, ít bài báo quốc tế
Trong những cuộc trao đổi xung quanh vấn đề luận án tiến sĩ tại Học viện Khoa học xã hội nói riêng và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nói chung, lãnh đạo các viện, các học viện đều khẳng định: Trong quá trình đào tạo, các khâu như xác định chỉ tiêu, tuyển chọn đầu vào, bảo vệ, phản biện luận án… đều được thực hiện đúng quy định. Giám đốc Học viện, GS Võ Khánh Vinh cho biết, không có chuyện Học viện du di với nghiên cứu sinh. Việc bảo vệ luận án phải bảo đảm đúng niên hạn, nghiên cứu sinh không thực hiện được sẽ phải học lại đúng 3 năm. Mỗi năm, trong số nghiên cứu sinh của Học viện, có khoảng 10% không đủ điều kiện được bảo vệ luận án, vì nhiều lý do. Trong số 90% nghiên cứu sinh còn lại, khoảng 20% quá hạn bảo vệ. Các đề tài đều được cân nhắc kỹ, việc thực hiện các đề tài luận án tiến sĩ đều được công khai trên trang web của Học viện để xã hội giám sát, bảo đảm qua nhiều "bộ lọc" về chuyên môn, xã hội, đạo đức. Theo quy định, trong số luận án đã bảo vệ, Bộ GD-ĐT chọn ngẫu nhiên 10% để chấm thẩm định, kết quả cho thấy Học viện không có đề tài nào không đạt yêu cầu.
Nghiên cứu khoa học trước hết vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. |
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), Học viện được thành lập năm 2010 trên cơ sở tổ chức lại 17 viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - trước đó đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép đào tạo trình độ tiến sĩ. Chỉ tiêu của Học viện hiện nay là tổng chỉ tiêu của 17 viện nghiên cứu nói trên và bởi vậy, số lượng chỉ tiêu tiến sĩ của Học viện Khoa học xã hội hiện nay không phải là con số phi lý (tuyển sinh 350 nghiên cứu sinh/3 năm).
Giải thích về số lượng ít ỏi bài báo khoa học được công bố quốc tế so với quy mô đào tạo và mức đầu tư của Nhà nước, Trưởng ban Quản lý khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, bà Trần Thị An cho biết: Giai đoạn 2011-2015, Viện có khoảng 400 công bố quốc tế ở những dạng khác nhau như các bài báo quốc tế, các ấn phẩm, sách… Trong số đã công bố nói trên, có một số được công nhận bởi Viện Thông tin khoa học (ISI), một số thì không. Số lượng công trình được công bố quốc tế của khoa học xã hội ít hơn khoa học công nghệ và khoa học tự nhiên là tình trạng chung toàn cầu chứ không chỉ có ở Việt Nam, bởi sự liên thông trong khoa học tự nhiên khá hơn so với khoa học xã hội.
Cũng về vấn đề này, ông Vũ Dũng, Trưởng khoa Tâm lý học, Học viện Khoa học xã hội cho rằng, việc công bố quốc tế đối với khoa học xã hội không đơn giản như khoa học tự nhiên, bởi còn cần phải cân nhắc xem việc công bố có ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia hay không. Trong các kỳ họp của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, vấn đề có nên đầu tư để đăng tải các bài báo quốc tế hay không cũng đã được đặt ra. Tuy nhiên, nhiều người thống nhất rằng nghiên cứu khoa học trước hết phải vì mục đích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, rồi mới đến hội nhập quốc tế.
Nâng chuẩn tiến sĩ
Nói về chất lượng của luận án tiến sĩ tại những đơn vị có chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ lớn, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng số lượng luận án được bảo vệ trong một khoảng thời gian nhất định không phải là yếu tố phản ánh chất lượng đào tạo, bởi một luận án phải được thực hiện trong nhiều năm; tuy nhiên, chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ ở Việt Nam chưa cao như ở các nước phát triển. Dù vậy, theo bà Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, kết quả đào tạo nên được đánh giá một cách công bằng, dựa trên điều kiện đào tạo ở nước ta so với các nước phát triển. Ở thời điểm năm 2009, nếu Quy chế đào tạo tiến sĩ đề ra hệ tiêu chuẩn quá cao thì nhiều cơ sở đào tạo không thể đáp ứng được, dẫn đến phải đóng cửa, dừng tuyển sinh, như vậy thì chính sách đề ra là không khả thi.
Thực tế cho thấy trong 6 năm thực hiện Quy chế đào tạo tiến sĩ, Bộ GD-ĐT đã có nhiều bước đi nhằm giám sát chất lượng đào tạo. Năm 2011, Bộ đã rà soát điều kiện bảo đảm chất lượng và đã dừng tuyển sinh đối với 101 chuyên ngành của 35 cơ sở đào tạo tiến sĩ, đưa ra cảnh báo đối với 38 chuyên ngành của 18 cơ sở đào tạo khác do thiếu giảng viên cơ hữu. Năm 2012, Bộ chính thức thu hồi quyết định đào tạo tiến sĩ đối với 57 chuyên ngành thuộc 27 cơ sở đào tạo sau khi các cơ sở này không khắc phục được tình trạng thiếu giảng viên. Từ năm 2012, Bộ đã siết chặt hơn việc thẩm định hồ sơ, luận án thông qua việc sửa đổi, bổ sung Quy chế đào tạo.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, hiện nay, Bộ GD-ĐT tiếp tục thực hiện giải pháp nâng chuẩn đào tạo trình độ tiến sĩ, trong đó có việc xây dựng dự thảo quy chế mới để thay cho Quy chế đào tạo tiến sĩ hiện hành. Quy chế mới sẽ có các điều khoản quy định chặt chẽ hơn về đội ngũ giảng viên, quy trình kiểm tra - xác nhận các điều kiện bảo đảm chất lượng thực tế ở cơ sở đào tạo..., giúp nâng cao năng lực giám sát một số vấn đề trong công tác đào tạo tiến sĩ vốn đang khiến dư luận băn khoăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.