Sau 20 năm thực hiện Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO năm 2003 (gọi tắt là Công ước 2003), Việt Nam rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, từ đó vận dụng vào việc xây dựng và sửa đổi một số điều của Luật Di sản văn hóa cho phù hợp với thực tiễn bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT).
Để làm rõ hơn vấn đề này, Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa.
- Là người gắn bó với công tác bảo vệ DSVHPVT của Việt Nam, bà có thể chia sẻ về phần việc này?
- Năm 1995, Vụ Bảo tồn Bảo tàng được nâng lên thành Cục Di sản văn hóa. Từ công việc ở một bảo tàng thuộc Bộ, tôi được chuyển về đây và bắt đầu làm quen với công việc thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước. Công việc của tôi là nghiên cứu xây dựng chính sách. Đó là thời điểm hưng thịnh của bảo tồn di tích, còn DSVHPVT thì chưa có khái niệm và chính sách cụ thể.
Hai năm cuối thế kỷ XX, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) bắt tay vào xây dựng bản dự thảo Luật Di sản văn hóa, song vẫn chưa có một định nghĩa rõ ràng về DSVHPVT và cách phân loại. Lúc này còn có các thuật ngữ như “di sản tinh thần”, “di sản phi vật chất”.
Tháng 6-2001, Luật Di sản văn hóa được Quốc hội thông qua, lần đầu tiên Việt Nam có khái niệm pháp lý về DSVHPVT. Tuy nhiên, khái niệm này không nói gì về chủ thể di sản. Họ là ai? Di sản đó có đang thực hành không? Không gian của nó? Tại sao nó là di sản? Nó đã được kế thừa như thế nào? Nó có ý nghĩa như thế nào đối với chủ thể? Một số loại hình cũng được nêu ra, song có loại hình không hẳn là DSVHPVT như tiếng nói, chữ viết, các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.
Năm 2005, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước 2003. Trong 20 năm qua, việc triển khai thực hiện Công ước là một quá trình đầy khó khăn, thách thức cả về lý luận và thực tiễn. Với việc tham gia Công ước và đặc biệt là với trách nhiệm của quốc gia được bầu vào Ủy ban Liên chính phủ nhiệm kỳ thứ nhất 2006 - 2010, Việt Nam nhận thấy rõ tầm quan trọng của DSVHPVT với sự phát triển của đất nước, nên ngay lập tức sửa đổi một số điều về DSVHPVT trong Luật. Theo đó, chúng ta đã khắc phục được một số hạn chế của khái niệm được đưa ra năm 2001 và khá tương thích với Công ước 2003.
Hiện tại, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) 2023 dự kiến được thông qua trong kỳ họp của Quốc hội năm 2024 sẽ có định nghĩa mới và được tích hợp trong điều: “Những nguyên tắc về bảo vệ DSVHPVT”. Điều khoản mới này nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và quán triệt sâu sắc hơn nữa tinh thần của Công ước 2003.
- Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm trong việc bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT ở các địa phương là chính sách đối với người thực hành và chủ thể DSVHPVT. Những năm qua, vấn đề này đã được thực hiện như thế nào và dự kiến sửa đổi những điểm gì trong Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) 2023, thưa bà?
- Dựa trên điều 15 của Công ước 2003 về "Sự tham gia của các cộng đồng, nhóm người và cá nhân", Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND, Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) trong lĩnh vực DSVHPVT. Sau 3 đợt phong tặng vào các năm 2015, 2019, 2022 đã có 1.881 nghệ nhân trên các lĩnh vực DSVHPVT được phong tặng danh hiệu NNƯT (1.750), NNND (131).
Chính sách đối với nghệ nhân là điểm mới, quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, nếu chỉ vì danh hiệu và sự đãi ngộ kiểu “bao cấp” “suốt đời” cùng với việc hệ thống hóa, hành chính hóa quy trình phong tặng một cách cứng nhắc sẽ làm mất đi sự sáng tạo. Vì thế, Nghị định quy định về việc xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực DSVHPVT cần thêm điều khoản để xét các trường hợp đặc biệt dành cho các nghệ nhân trẻ tuổi có tài năng xuất sắc. Đối với các nghệ nhân thuộc lĩnh vực “nghề thủ công truyền thống” và “tri thức dân gian”, cần có quy định cụ thể để không chồng chéo với việc xét tặng của Bộ Công Thương và Bộ Y tế...
Ngoài các danh hiệu phong tặng các chủ thể/ nghệ nhân có công trong việc trao truyền DSVHPVT, hiện vẫn chưa có các hình thức khen thưởng dành cho những người có thành tích bảo vệ DSVHPVT như nhà tài trợ, nhà nghiên cứu, nhà thiết kế, sáng tạo… Vì thế, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) 2023 đang được nghiên cứu để có thêm chính sách mới hướng tới đối tượng chủ thể đa dạng và trẻ tuổi hơn. Luật cũng sẽ xem xét vấn đề hủy bỏ danh hiệu nghệ nhân cũng như việc một di sản đã được ghi danh mà không còn đủ điều kiện bảo vệ.
- Sau khi hồ sơ đa quốc gia “Nghi lễ và trò chơi kéo co” (gồm Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines) được UNESCO ghi danh là DSVHPVT đại diện của nhân loại, chúng ta có thêm kinh nghiệm để tiếp tục làm hồ sơ cho các DSVHPVT đa quốc gia, liên khu vực khác. Vậy, việc làm hồ sơ và ghi danh này cần lưu ý điều gì, thưa bà?
- UNESCO khuyến khích việc nhận diện các DSVHPVT mà các quốc gia láng giềng, cùng khu vực có chung sở hữu để lập hồ sơ đa quốc gia.
Năm 2015, Việt Nam có di sản kéo co của một số cộng đồng thuộc 4 tỉnh, thành phố là Bắc Ninh, Hà Nội, Lào Cai và Vĩnh Phúc đã được ghi danh ở hạng mục hồ sơ đa quốc gia cùng với Campuchia, Hàn Quốc và Philippines. Các di sản này dự kiến có thể mở rộng hơn theo các điều khoản của UNESCO. Luật Di sản văn hóa chưa có nội dung này và cần được bổ sung. Tương tự như vậy, câu hỏi làm thế nào để bảo vệ một di sản và đưa ra khỏi tình trạng khẩn cấp (như trường hợp hát Xoan của Phú Thọ) cũng cần được luật hóa bằng những điều khoản tương thích với hướng dẫn mới của Công ước 2003.
Trong quá trình kiểm kê DSVHPVT cũng như làm hồ sơ để ghi vào các danh sách của UNESCO, có một vấn đề mà Luật Di sản văn hóa chưa có các điều khoản cụ thể. Đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan quản lý nhà nước với các di sản liên tỉnh, bao gồm: Nghiên cứu lập hồ sơ, thỏa thuận; triển khai kế hoạch hành động sau khi được ghi danh; kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn và báo cáo. Những vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận để đưa vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
- Bà đánh giá thế nào về những nỗ lực của Việt Nam trong 20 năm thực hiện Công ước 2003 về Bảo vệ DSVHPVT?
- Việc phê chuẩn Công ước 2003 và tích cực hoạt động trong khuôn khổ Công ước trong 20 năm qua đã đem đến cho Việt Nam nhiều cơ hội chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Một số vấn đề lý thuyết và thực tiễn đã được cập nhật và bổ sung vào hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh quá trình ứng dụng vào cuộc sống. Dưới Công ước là một hệ thống văn bản hướng dẫn thực hành cùng với nhiều tài liệu tham khảo về bảo vệ DSVHPVT của các quốc gia thành viên. Việc xây dựng luật và các văn bản dưới luật về DSVHPVT được triển khai liên tục, luôn cập nhật trong hơn 20 năm qua và đi vào cuộc sống, giúp các địa phương nhận thức được tầm quan trọng của DSVHPVT đối với phát triển, từ đó chủ động xây dựng các chính sách bảo vệ di sản.
- Trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.