Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm

Quốc Bình| 05/04/2023 07:54

(HNM) - Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố đã tập trung nâng cao, siết chặt kỷ cương, trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Hiệu ứng tích cực từ việc này ngày càng rõ nét.

Đoàn kiểm tra công vụ thành phố Hà Nội kiểm tra tại bộ phận “một cửa” UBND quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Hiền Thu

Cá nhân hóa trách nhiệm

Năm 2023 là năm thứ ba liên tiếp, thành phố Hà Nội chọn chủ đề công tác năm là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Trong đó, hai thành tố “kỷ cương, trách nhiệm” được coi là quan trọng nhất.

“Các việc cấp bách phải được giải quyết ngay, các vấn đề lớn, khó, phức tạp, nhạy cảm được tập thể bàn bạc kỹ, thấu đáo trước khi quyết định; các công việc khác phải được giải quyết bảo đảm yêu cầu về tiến độ cụ thể”. Đây là một trong những phương châm làm việc của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội được xác định rõ từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025. Cùng với đó là “cá nhân hóa trách nhiệm”. Trong hơn 2 năm tập trung vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội, từng Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách địa bàn đã bám sát cơ sở, cộng đồng trách nhiệm với lãnh đạo địa phương. Việc chấm điểm thi đua cuối năm cũng căn cứ vào “bộ mặt” của địa bàn phụ trách để đánh giá cán bộ.

100% quận, huyện, thị ủy đều áp dụng “mô hình” này. Ủy viên Thường vụ cấp ủy địa phương không chỉ hướng dẫn, kiểm tra mà còn phải thường xuyên dự họp chi bộ địa bàn dân cư để tiếp xúc, nắm bắt tình hình nhân dân. Tại quận Long Biên, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Nguyễn Thế Thạch cho biết, đối với những nhiệm vụ quan trọng, ngay sau khi Ban Thường vụ Quận ủy họp chỉ đạo, Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy phụ trách địa bàn phải xuống họp với Đảng ủy phường phụ trách để triển khai thực hiện.

Từ sự coi trọng kỷ cương, trách nhiệm, năm 2022, Ban Thường vụ Thành ủy đã gợi ý kiểm điểm sâu 29 đơn vị - con số cao nhất từ trước đến nay; thành lập 9 đoàn công tác để chỉ đạo kiểm điểm. Sau kiểm điểm, tình hình khắc phục được theo dõi, đánh giá thường xuyên. Ban Thường vụ Thành ủy còn thành lập 5 đoàn kiểm tra đối với 15 tổ chức Đảng và 25 đảng viên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, cải cách hành chính, trách nhiệm nêu gương và thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm. Qua kiểm tra, thành phố kịp thời rút ra bài học kinh nghiệm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp. Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra tổ chức Đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm đối với 145 tổ chức Đảng và 334 đảng viên, kết luận 65 tổ chức Đảng và 196 đảng viên có vi phạm, thi hành kỷ luật 11 tổ chức Đảng (chiếm 17% tổ chức Đảng có vi phạm) và 153 đảng viên (chiếm 78% đảng viên có vi phạm).

Thông qua đánh giá chất lượng, hiệu quả, thành phố tăng cường luân chuyển, điều động, sắp xếp cán bộ phù hợp với năng lực, trình độ từng người. Trong năm qua, 199 trường hợp được rà soát; luân chuyển 36 đồng chí, chuyển đổi vị trí công tác 30 đồng chí cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.

Rõ hiệu lực, hiệu quả

Nhờ siết chặt kỷ cương, nâng cao trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức, hệ thống chính trị thành phố cho thấy rõ hiệu lực, hiệu quả. Năm 2022, kinh tế Hà Nội tăng trưởng cao nhất 10 năm trở lại đây; thu ngân sách vượt dự toán. Quý I-2023, kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng cao với GRDP tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022 (cả nước tăng 3,32%). Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 138.859 tỷ đồng, đạt 39,3% dự toán, tăng 38,5% so với cùng kỳ và là mức cao nhất nhiều năm trở lại đây...

Đây là cơ sở để thành phố tiếp tục tăng cường kỷ cương, trách nhiệm hơn nữa trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu các cấp. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu, các cấp, các ngành thường xuyên rà soát, khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém, siết chặt kỷ cương, nâng cao trách nhiệm, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải gương mẫu đi đầu, thể hiện mạnh mẽ tinh thần trách nhiệm, tính nêu gương và bản lĩnh, trí tuệ khi giải quyết công việc được giao.

Cụ thể hóa tinh thần này, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu, cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ phải tuân thủ kỷ cương và trật tự hành chính, đúng thẩm quyền, đúng quy trình. Nghiêm túc thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh công việc; xây dựng lịch công việc hằng tuần, tự đánh giá hằng tháng, kiểm điểm định kỳ theo quy định. Nghiêm cấm việc lợi dụng chức quyền, vị trí công tác để gây nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp.

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cũng tăng cường kiểm tra, giám sát gắn với nhiệm vụ chính trị trọng tâm của thành phố. Đơn cử như, chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra 7 quận, huyện ủy phải giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội vào cuộc ngay từ khâu đầu tiên để phòng ngừa vi phạm. “Nếu để xảy ra sai phạm mà không tự phát hiện, chúng tôi sẽ xem xét trách nhiệm đối với bí thư cấp ủy và chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy”, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết cho biết.

Siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm gắn với kiểm tra, giám sát thường xuyên cũng chính là chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay. Đây tiếp tục là quan điểm chỉ đạo của Thành ủy xuyên suốt trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.