Ủng hộ đề xuất câu chuyện tạo “mã định danh” người Hà Nội thanh lịch, văn minh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã dành tâm huyết chia sẻ với Báo Hànộimới những bài học kinh nghiệm cần thiết trong xây dựng văn hóa, phát triển con người nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới.
Nghiên cứu kỹ lưỡng, xác định các giải pháp đồng bộ
- Thanh lịch, văn minh là những nét đặc trưng nổi bật và căn cốt nhất làm nên “mã định danh” người Hà Nội. Gắn bó mật thiết với Thủ đô và am hiểu sâu sắc văn hóa, con người Hà Nội, đồng chí có thể chia sẻ suy nghĩ về nét riêng độc đáo này?
- Có lẽ, ở Việt Nam, khi nhận xét về con người từng vùng miền, trừ người Hà Nội ra, không có nơi nào người ta gọi là thanh lịch. Chữ thanh lịch này là đẹp, đẹp nhẹ nhàng, tinh tế, dịu dàng. Người Huế cũng có những nét đẹp riêng của người xứ Huế, người thành phố Hồ Chí Minh cũng có nét đẹp của người thành phố Hồ Chí Minh hay người miền Tây có nét đẹp của người miền Tây, Tây Đô. Nhưng chữ thanh lịch vì sao lại chỉ dùng cho người Hà Nội!? Nên nói chung, tâm lý của người Hà Nội gốc là họ rất giữ gìn, không qua loa, không vội vàng, không cẩu thả, đặc biệt là người Hà Nội không chấp nhận bắt chước, bê nguyên xi một cái ở đâu đó đến một cách vội vàng, lộp chộp.
Cho nên, người Hà Nội rất sâu sắc và tinh tế. Sự sâu sắc, tinh tế của người Hà Nội thường đi liền với sự kiệm lời, khiêm cung, khen cũng không khen quá nhiều, chê cũng rất ít chê lộ liễu, không hài lòng thì lẳng lặng nhẹ nhàng cho qua, nếu có nói năng góp ý thì cũng rất lễ độ, chừng mực.
- Nỗ lực xây dựng người Hà Nội với “mã định danh” thanh lịch, văn minh dường như còn rất khó khăn, vì chỉ cần đi trên đường, ai cũng có thể thấy những hành vi chưa văn hóa, thậm chí phản văn hóa xuất hiện hằng ngày. Đồng chí nghĩ sao về điều này?
- Để xây dựng người Hà Nội với “mã định danh” phù hợp với yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới đòi hỏi nỗ lực từ nhiều phía với các giải pháp đồng bộ. Để có những con người thanh lịch, văn minh khi tham gia giao thông thì ngoài ý thức tự giác chấp hành luật lệ, cơ quan nhà nước phải thấy được những khó khăn, bất cập để quan tâm đầu tư cải thiện giúp cho người dân có điều kiện thuận lợi để thực hành nền nếp văn hóa, văn minh đô thị.
Đơn cử như lĩnh vực giao thông, về phương diện kinh tế kỹ thuật thì quy hoạch của Hà Nội phát triển chưa đáp ứng được nhu cầu tăng lên của dân cư nói chung. Tỷ lệ đất đai dành cho hạ tầng giao thông hiện nay chưa thỏa mãn được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, khi tỷ lệ đất dành cho giao thông đòi hỏi phải đạt 25%, nhưng thực tế chỉ đáp ứng được 7-8%. Hạ tầng hạn chế như vậy, cộng thêm số lượng dân cư không ngừng tăng lên nhanh chóng gây ra tình trạng ùn tắc giao thông, đặt nhiều người vào tình huống rất khó bình tĩnh để tuân thủ đúng luật lệ giao thông.
Kỷ cương nghiêm, chế tài mạnh, cán bộ nêu gương
- Như vậy, để xây dựng người Hà Nội với những “mã định danh” phù hợp yêu cầu giai đoạn mới, đòi hỏi rất nhiều giải pháp, thưa đồng chí?
- Đòi hỏi thì rất nhiều nhưng nhất định phải có kỷ cương, kỷ luật mà ở đó, tất cả mọi người phải tuân theo. Ví dụ, khi đi trên đường thì phải đi bên phải; chứ đi bên trái là không thể chấp nhận được; trong xây dựng và phát triển đô thị, nếu mọi người không tuân thủ quy hoạch, trật tự xây dựng thì không thể có được một thủ đô văn minh, hiện đại về mặt kiến trúc... Cho nên, lợi ích của từng người phải được đặt dưới lợi ích chung của cộng đồng. Đó là điều khi tôi làm, tôi hết sức nghiêm túc, mà có người còn nói là nghiêm khắc.
Chúng ta giữ kỷ cương nhiều thứ, nhưng ở thời điểm đó, cái thấy rõ nhất là trật tự xây dựng, cứ xây vi phạm so với giấy phép là phải xử lý, cho dù là ai. Khi ấy, không ít cá nhân, tổ chức có thế lực, quan hệ mạnh, nhưng hễ cứ xây nhà vượt tầng quy định thì bị cắt; như công trình gần hồ Trúc Bạch bị cắt đến 8 tầng, ở phố Nguyễn Chí Thanh cắt 4 tầng, ở phố Đào Duy Anh, phố Bạch Mai… cũng vậy. Sự quyết liệt, nghiêm khắc ấy nó có thể gây ra thiệt hại cục bộ cho nhà đầu tư nhưng cái được lớn hơn rất nhiều là trật tự, kỷ cương cho xã hội, tạo thành nền nếp trong ứng xử của người Hà Nội. Cái được đó không thể tính đếm bằng tiền.
- Kỷ cương, kỷ luật phải gắn với chế tài nghiêm khắc. Nhưng hiện nay, mức phạt hành chính ở nhiều lĩnh vực lại chưa đủ sức răn đe, đồng chí có nghĩ như vậy?
- Phạt vi phạm về luật giao thông, môi trường và nhất là vi phạm trật tự xây dựng, nếu chỉ cao không quá hai lần so với luật chung của cả nước thì hiệu lực của nó gần như không đáng kể, vì lợi ích của việc vi phạm kia đem lại lớn hơn rất nhiều.
Ở Hà Nội, chỉ cần xây dựng nhà mà cơi nới vi phạm thêm 10m2 thì lợi ích đem lại đã quá lớn so với mức phạt vài trăm nghìn đồng. Để tăng mức phạt bảo đảm tính răn đe, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã trao thêm quyền hạn cho Hà Nội để siết chặt kỷ cương, kỷ luật; thành phố nên giao cho HĐND thành phố xem xét các yếu tố, cân nhắc phạt mức như thế nào để đủ sức răn đe thì đề ra mức hợp lý.
- Hà Nội không chỉ là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, mà còn là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, giao thương quốc tế của cả nước. Theo đồng chí, việc xác định rõ mục tiêu xây dựng con người, lấy con người làm trung tâm, động lực có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của Thủ đô?
- Với Hà Nội, có lẽ không nhất thiết phải phấn đấu dẫn đầu về mặt kinh tế, mặc dù cũng rất cần. Nhưng cái Hà Nội cần hơn, chính là phải mạnh, phải dẫn đầu về văn hóa, mà văn hóa ở đây hiểu theo nghĩa rộng là cuộc sống, lối sống, là trật tự, kỷ cương, là văn minh, thanh lịch, hiện đại. Cần phải coi kỷ cương pháp luật cũng là văn hóa, thứ văn hóa mà người ta phải mất hàng trăm năm rèn giũa mới có được. Đó là thứ văn hóa tôn trọng mọi người để được mọi người tôn trọng mình.
Xác định rõ mục tiêu phát triển văn hóa, xây dựng con người, lấy con người làm trung tâm, động lực thì không riêng Hà Nội, mà cơ bản địa phương nào cũng đặt ra. Nhưng với Hà Nội, lựa chọn này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi đây là lợi thế của Thủ đô, vì Hà Nội là kinh đô nghìn năm văn hiến có bề dày lịch sử, có nền văn hóa truyền thống rất phong phú. Mặt khác, những người đã trải qua cương vị lãnh đạo ở Hà Nội, cùng với những đánh giá thành công về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, thì dư luận nhân dân hết sức quan tâm đến khía cạnh văn hóa. Càng hiểu sâu về văn hóa Thăng Long - Hà Nội thì thành công trong lãnh đạo, chỉ đạo càng lớn; ngược lại, nếu không hiểu hoặc hiểu hời hợt thì sẽ rất khó thành công.
- Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã khó, với những “mã định danh” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới càng khó hơn. Thành phố nên xác định tâm thế nào trước yêu cầu nhiệm vụ khó khăn này để thành công, thưa đồng chí?
- Trước đây, có những việc tưởng như không thể làm được như xóa quảng cáo rao vặt (mà đến nay, hầu như chưa tỉnh, thành phố nào làm được) nhưng nếu quyết tâm làm và có biện pháp đúng, chúng ta vẫn thành công. Hay như những việc thuộc về phong tục, tập quán rất khó thay đổi như việc cưới, việc tang, nhờ quyết tâm của các cấp, các ngành, sự gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên, việc này đã được thực hiện rất hiệu quả.
Xây dựng đô thị phải bắt đầu từ những việc như vậy, tương tự, xây dựng văn hóa, người Hà Nội cũng phải bắt đầu từ những việc hết sức cụ thể. Trong đó, cấp ủy, chính quyền phải là đầu tàu ráo riết triển khai thực hiện, cán bộ, đảng viên phải nêu gương, làm gương. Thành phố muốn thanh lịch, văn minh, nhất định phải quan tâm giải quyết từng vấn đề nhỏ và phải làm đồng bộ; đồng thời, cần xác định rõ thứ tự ưu tiên, chứ không thể thỏa mãn được tất cả khía cạnh, làm hài lòng tất cả mọi người được. Quá trình triển khai thực hiện, cần hết sức tránh rơi vào tình trạng “đẽo cày giữa đường”, nhất là cày đâu chẳng thấy lại đẽo thành cái “chìa vôi” thì lợi bất cập hại.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.