Nghị quyết và Cuộc sống

Cán bộ “7 dám” và việc thực hiện “công việc gốc” của Đảng:Bài 3: Siết chặt kỷ cương, kỷ luật đi đôi với khuyến khích cán bộ đổi mới

Hương Ly 22/10/2023 - 06:54

Song hành với việc đào tạo, bồi dưỡng, tạo môi trường làm việc hiệu quả để cán bộ phát huy năng lực, sở trường và nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý, Thành ủy Hà Nội siết chặt kỷ cương, kỷ luật; xử lý nghiêm hành vi đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, đi đôi với khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đảm nhận việc khó….

Mục tiêu cao nhất của việc làm này là nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

cac-can-bo-dang-vien-du-ho.jpg
Các cán bộ, đảng viên dự hội nghị quán triệt Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tại thị xã Sơn Tây.

Những cách làm hiệu quả

Cùng với việc tạo mọi điều kiện thuận lợi để xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong thực thi công vụ. Đó là tình trạng: Kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ chưa nghiêm, cá biệt có nơi buông lỏng, né tránh, đùn đẩy công việc được giao, biểu hiện tâm lý “bàn lùi”, không làm thì không sai; sợ sai, sợ trách nhiệm; tham mưu không rõ quan điểm, “lòng vòng”; tìm cách “đẩy việc” lên cơ quan cấp trên, hoặc sang bộ phận, cơ quan, đơn vị khác, “quyền anh, quyền tôi”, cơ chế “xin - cho”…, nhất là với những nội dung yêu cầu sự phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị.

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy đã thể hiện quyết tâm rất cao trong việc tạo chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động của cấp ủy Đảng và cả hệ thống chính trị về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc... Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 24-CT/TU của các ngành, địa phương sẽ có tính quyết định, trở thành thước đo năng lực, chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể cấp ủy, của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị.

Mặt khác, thông qua việc thực hiện tốt chỉ thị sẽ bộc lộ rõ phẩm chất, năng lực của người cán bộ, đảng viên có tinh thần đổi mới, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của Thủ đô.

Ngay sau hội nghị triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU do Thành ủy Hà Nội tổ chức, các quận, huyện, thị xã đã đồng loạt vào cuộc, đồng thời đề xuất những giải pháp cụ thể để siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính.

Tại hội nghị quán triệt Chỉ thị số 24-CT/TU trong toàn Đảng bộ, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn đã yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ thị. Cá nhân mỗi đồng chí cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu phải thực sự gương mẫu, đi đầu về tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân, nói đi đôi với làm, chấp hành sự phân công, điều động của tổ chức; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đối diện và vượt qua khó khăn, thử thách vì công việc chung.

Tại quận Tây Hồ, Bí thư Quận ủy Lê Thị Thu Hằng nêu rõ quan điểm của Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ là tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, nhất là kiểm tra đột xuất việc thực hiện các thủ tục hành chính, việc chấp hành nội quy, giờ làm việc, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân; quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp…

Quận Tây Hồ cũng sẽ lấy hiệu quả việc triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU làm tiêu chí quan trọng để kiểm điểm, đánh giá, phân loại, tổ chức Đảng, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức hằng năm, nhất là người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị.

Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Lê Minh Đức cũng cho biết, huyện xác định việc triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU chính là thước đo năng lực, chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể cấp ủy, của người đứng đầu cơ sở, đơn vị. Huyện ủy Thạch Thất đã thành lập 3 đoàn giám sát 29 tổ chức Đảng và 29 cá nhân người đứng đầu về lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chỉ thị. Cùng với đó, sẽ tiến hành giám sát đột xuất các tổ chức Đảng, đơn vị nhằm kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng.

Lấy người dân là trung tâm phục vụ

Triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, huyện Đông Anh xác định đây sẽ là “liều thuốc” đặc trị “bệnh” đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sợ va chạm, xuôi chiều, “dĩ hòa vi quý”.

Theo Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh: “Quan điểm chỉ đạo của huyện là xây dựng quy chế giải quyết công việc theo tinh thần 5 rõ, từ đó sẽ chấm điểm, đánh giá chéo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức theo từng tháng để xóa việc “cào bằng” trong khen thưởng”. Huyện Đông Anh đặt mục tiêu 100% công việc của các phòng, ban, UBND xã, thị trấn được giải quyết đúng hạn, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là mục tiêu phục vụ.

Trong khi đó, UBND quận Tây Hồ lại đề nghị các đơn vị trực thuộc tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành; rà soát, bổ sung, hoàn thiện Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm; phát huy vai trò, năng lực, sở trường của cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Chỉ thị số 24-CT/TU.

Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, UBND quận yêu cầu các cán bộ là lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải thực sự gương mẫu, đi đầu về tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân, nói đi đôi với làm; chấp hành sự phân công, điều động của tổ chức; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đối diện và vượt qua khó khăn, thử thách vì công việc chung. Quận cũng đã triển khai chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy trách nhiệm nêu gương, khuyến khích cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đảm nhận việc mới, việc khó tại địa phương, đơn vị. Thường trực Quận ủy gương mẫu đăng ký đảm nhận 3 việc khó; các Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy đăng ký 2 việc. Cán bộ cấp cơ sở đăng ký giải quyết ít nhất 1 “việc nóng, việc khó” của địa phương, đơn vị để từ đó lan tỏa sâu rộng tinh thần cống hiến, lấy sự phát triển bền vững của địa phương, đơn vị làm mục tiêu phấn đấu…

Sự vào cuộc đồng bộ và mạnh mẽ của các quận, huyện, thị xã với mục tiêu siết chặt kỷ cương, kỷ luật; khuyến khích đội ngũ cán bộ các cấp dám nghĩ, dám làm, dám đảm nhận “việc khó” của địa phương, đơn vị sẽ là khởi đầu quan trọng để khơi lên khát vọng cống hiến, nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Song hành với việc khuyến khích cán bộ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, Thành ủy Hà Nội cũng nêu rõ mục tiêu siết chặt kỷ cương, kỷ luật, kiên quyết thay thế, điều chuyển cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc theo tinh thần Chỉ thị số 24-CT/TU.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cán bộ “7 dám” và việc thực hiện “công việc gốc” của Đảng: Bài 3: Siết chặt kỷ cương, kỷ luật đi đôi với khuyến khích cán bộ đổi mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.