(HNMO) - Ngành Y tế dự báo sau ngày 6-5, khi lệnh phong tỏa tại một số địa phương bên nước bạn Campuchia giáp với Việt Nam hết hạn, sẽ có một lượng lớn người về Việt Nam. Để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra, các bộ, ngành trung ương và địa phương vùng Tây Nam Bộ đang triển khai nhiều biện pháp đồng bộ.
Kiểm soát chặt biên giới
Các địa phương vùng biên giới như Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang đã triển khai nhiều biện pháp để kiểm soát biên giới, kịp thời ngăn chặn người vượt biên trái phép vào nội địa Việt Nam, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng.
Cụ thể, tại tỉnh Tây Ninh, ngoài các đồn biên phòng, trạm kiểm soát trên toàn tuyến, còn có 129 điểm chốt phòng, chống dịch trên tuyến biên giới với quân số khoảng 600 cán bộ, chiến sĩ của ba lực lượng công an, bộ đội, biên phòng.
Tại Kiên Giang, ông Mai Văn Huỳnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ đạo: “Phú Quốc cần nâng lên cấp độ cực kỳ nguy hiểm; kích hoạt lại toàn bộ các khu cách ly, sẵn sàng tiếp nhận và điều trị cho kiều bào Việt Nam nhập cảnh về nước”.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh có 100km đường biên giới tiếp giáp với Campuchia, với 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia và nhiều đường mòn, lối mở và bến đò ngang. Lợi dụng địa hình, nhiều đối tượng nhập cảnh trái phép vào tỉnh, nguy cơ lây lan dịch bệnh vào cộng đồng là rất lớn.
Hiện Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh, các đơn vị có liên quan của tỉnh An Giang tổ chức duy trì 200 tổ, chốt kiểm soát dịch Covid-19 cố định và lưu động trên tuyến biên giới để ngăn chặn người xuất, nhập cảnh trái phép. Đồng thời, phát động phong trào “Toàn dân phòng, chống dịch”, vận động “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch”.
Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng kiểm tra công tác triển khai 2 phòng xét nghiệm mới ở Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh An Giang và Bệnh viện Đa khoa khu vực Châu Đốc, giúp An Giang chủ động trong công tác xét nghiệm Covid-19.
Trên dọc tuyến biên giới dài hơn 1.137 km, lực lượng biên phòng của 10 tỉnh có đường biên giới với Campuchia thường xuyên phối hợp tuần tra, tổ chức các cuộc “gặp mặt hẹp” với các lực lượng bảo vệ biên giới của Campuchia để thống nhất triển khai thực hiện quy chế phối hợp, trong đó có công tác phối hợp phòng, chống dịch Covid-19.
Xây dựng 2 bệnh viện dã chiến
Trong chuyến công tác ngày 26-4 đến thành phố Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, sẽ thiết lập 1 bệnh viện dã chiến quy mô 800 giường bệnh tại thành phố Cần Thơ. Đây là bệnh viện mang tính khu vực của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, điều trị các ca nhiễm Covid-19 tại chỗ mà không phải chuyển các ca nặng lên Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bệnh viện dã chiến Cần Thơ sẽ được tăng cường nhân lực, cơ sở vật chất từ bệnh viện dã chiến hiện có đặt tại Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, được Bệnh viện Ða khoa Trung ương Cần Thơ thiết lập trước đó. Bệnh viện dã chiến này còn có sự hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật từ Bệnh viện Chợ Rẫy và Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.
Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và đoàn công tác của Bộ Y tế cũng đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh biên giới Kiên Giang và đồng ý với đề nghị của tỉnh về việc thành lập bệnh viện dã chiến tại thành phố Hà Tiên, điều trị những trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, tỉnh Kiên Giang đang đối mặt với nguy cơ rất lớn về dịch bệnh từ Campuchia xâm nhập địa phương. Toàn tỉnh có 56km đường biên giới chung cả trên bộ, trên biển, với 145 hòn đảo lớn nhỏ. Khu vực có nguy cơ lớn nhất là thành phố biên giới Hà Tiên.
Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang Hà Văn Phúc cho biết, bệnh viện dã chiến đang được các đơn vị của địa phương và các bên liên quan khẩn trương triển khai tại phường Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên, với quy mô 300 giường bệnh. Mục tiêu là đáp ứng yêu cầu sàng lọc, cách ly, cấp cứu, chăm sóc, theo dõi và điều trị cho bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 mức độ nhẹ và trung bình, nhằm giúp giảm tải cho các cơ sở y tế tập trung điều trị cho các bệnh nhân nặng. “Bệnh viện dã chiến thành phố Hà Tiên sẽ hoàn thành ngay trong tháng 4-2021”, ông Hà Văn Phúc cho biết.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.