Chính phủ Đức đang trấn áp tình trạng di cư bất hợp pháp sau các cuộc tấn công cực đoan gần đây và sẽ mở rộng kiểm soát biên giới tạm thời vào tuần tới.
Việc kiểm tra biên giới, áp dụng cho 9 quốc gia láng giềng của Berlin đã gây ra mối quan ngại đặc biệt từ khu vực Schengen, về sự gián đoạn hoạt động thương mại, du lịch và sự thống nhất của châu Âu.
Đức triển khai các biện pháp kiểm soát tại biên giới với Áo từ năm 2015, với Ba Lan, Cộng hòa Séc, Thụy Sĩ từ năm 2023 và tuần tới sẽ mở rộng sang Pháp, Luxembourg, Bỉ, Hà Lan và Đan Mạch. Theo Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser, động thái này nhằm hạn chế di cư và “bảo vệ Đức trước những nguy cơ nghiêm trọng do chủ nghĩa khủng bố và tội phạm gây ra”. Các quy định mới dự kiến được thực hiện từ ngày 16-9 và có hiệu lực trong 6 tháng đầu.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh cuộc tranh luận về vấn đề di cư trở nên nóng bỏng sau các vụ tấn công chết người mà nghi phạm là những người xin tị nạn đã bị từ chối. Đặc biệt khi đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) chống lại vấn đề di cư, đã trở thành đảng cực hữu đầu tiên giành chiến thắng tại một cuộc bầu cử cấp bang kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.
Đây cũng được xem là "đòn giáng mạnh" đối với các đảng trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz. Di cư vẫn là vấn đề chính trước thềm cuộc bầu cử ở tiểu bang Brandenburg nơi đảng Dân chủ Xã hội trung tả (SPD), mà Thủ tướng Olaf Scholz và bà Nancy Faeser tham gia, đang đấu tranh để duy trì quyền kiểm soát.
Các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn đã cho phép Đức trả lại 30.000 người di cư kể từ tháng 10-2023. Theo số liệu thống kê của Chính phủ, đơn xin tị nạn đã giảm 22% kể từ tháng 1 đến tháng 8-2024. Gần đây nước này đã tổ chức một chuyến bay hồi hương những tội phạm bị kết án có quốc tịch Afghanistan, bất chấp lo ngại về nhân quyền - một dấu hiệu cho thấy Chính phủ Đức đang hành động.
Đức là động lực kinh tế của châu Âu và có chung đường biên giới với nhiều quốc gia hơn bất cứ thành viên nào khác của Liên minh châu Âu (EU). Do vậy, việc nước này thắt chặt kiểm soát biên giới được cho là đang đe dọa sự thống nhất của châu Âu. Bởi lẽ hầu hết các nước láng giềng của Đức đều là thành viên của EU, có các nguyên tắc về chung thương mại và du lịch tự do.
Mặt khác, EU có một khu vực du lịch miễn thị thực được gọi là Schengen cho phép công dân của hầu hết các nước EU đi lại qua biên giới để làm việc và giải trí. Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ cũng thuộc Schengen mặc dù không phải là thành viên EU.
Các quốc gia thành viên EU được phép tạm thời áp dụng các biện pháp kiểm soát tại biên giới nội bộ của liên minh trong trường hợp có mối đe dọa nghiêm trọng, chẳng hạn như đe dọa đến an ninh nội bộ. Tuy nhiên, kiểm soát biên giới nên được áp dụng như một biện pháp cuối cùng trong những tình huống đặc biệt và phải có giới hạn thời gian.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã lên án hành động kiểm soát biên giới của Đức là "không thể chấp nhận được" và kêu gọi tham vấn khẩn cấp với tất cả các quốc gia bị ảnh hưởng. Trong khi đó, Áo tuyên bố sẽ không tiếp nhận những người di cư bị Đức từ chối. Transport and Logistics Netherlands (TLN), một tổ chức trong ngành vận tải của Hà Lan đã bày tỏ lo ngại về những tác động tiềm tàng đến thương mại khi nhắc đến tình trạng chậm trễ kéo dài ở biên giới trong thời kỳ đại dịch Covid-19. TLN cho rằng, nước Đức đang làm suy yếu Hiệp ước Schengen và quyền tự do lưu thông hàng hóa, đồng thời cảnh báo, sự chậm trễ có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho chuỗi cung ứng.
Bộ trưởng Bộ Tị nạn và Di cư Hà Lan Marjolein Faber chia sẻ với những quyết định của nước Đức nhưng nhấn mạnh, cần phải có các biện pháp thực thi rõ ràng để bảo đảm giao thương và lưu thông thông suốt. Trong khi Chủ tịch Liên đoàn bán buôn, thương mại và dịch vụ Đức Dirk Jandura cho rằng, việc hạn chế quyền tự do đi lại của người dân “luôn đồng nghĩa với chậm trễ và do đó làm tăng chi phí cho nền kinh tế, đặc biệt là đối với bán buôn và thương mại nước ngoài”.
Nhiều nhà phân tích đặt câu hỏi: Các biện pháp kiểm soát tạm thời toàn bộ biên giới Đức liệu có thể đẩy lùi người tị nạn hay không? Trong khi nhiều người nhận định, quyết định này đã giáng một đòn nặng nề vào quyền tự do đi lại vốn được coi trọng của châu Âu và có thể thử thách nghiêm trọng sự thống nhất của liên minh này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.