(HNM) - Mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra hàng tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TĂCN). Việc quá phụ thuộc vào nhập khẩu đã gây ra không ít hệ lụy, làm giảm đáng kể sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi nước ta.
Chủ động phối trộn thức ăn chăn nuôi sẽ giúp giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh.Ảnh: Bá Hoạt |
Thiếu hiệu quả vì phụ thuộc
Theo Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), năm 2015, Việt Nam đã chi gần 3,4 tỷ USD để nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu, tăng 4,25% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường chính cung cấp TĂCN và nguyên liệu cho Việt Nam vẫn là Achentina (chiếm 40%), Brazil (20%); Hoa Kỳ (15-18%). Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu từ các thị trường khác như: Trung Quốc, Áo, Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia. Theo ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, trung bình mỗi năm Việt Nam cần 18-20 triệu tấn TĂCN, nhưng nguồn cung nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được 20-30%, còn lại là nhập khẩu. Ngoài ra, 100% phụ phẩm kèm theo như khô dầu, đậu tương, các loại vitamin… phải nhập khẩu. Dù giá TĂCN có giảm theo chiều hướng có lợi cho nông dân song vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia 20-30%. Điều đáng nói là nguyên liệu TĂCN nhập khẩu hằng năm tiếp tục tục tăng, với mức tăng 15-17%.
Giá TĂCN cao không chỉ do phải nhập khẩu nguyên liệu mà còn do qua nhiều khâu trung gian, thương lái. Theo ông Trần Văn Chiến - Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi dịch vụ Cổ Đông (Sơn Tây), hiện trung bình TĂCN cho gia súc, gia cầm bán tại nhà máy là 29.000-32.000 đồng/kg, nhưng nông dân phải mua với giá cao hơn 5.000-6.000 đồng/kg, vì phải qua nhiều đại lý. Mặc dù, HTX đã liên kết nông dân với nhau để ký kết hợp đồng mua TĂCN với nhà máy nhưng cũng chỉ có thể ký hợp đồng với đại lý cấp 1, còn người dân mua lẻ phải qua đại lý cấp 3. TĂCN chiếm tới 70% giá thành sản xuất nên giá TĂCN càng cao thì lợi nhuận của người chăn nuôi càng thấp. Bà Phạm Thị Cưa, một hộ chăn nuôi ở huyện Thanh Oai, cho biết với giá TĂCN hiện nay, nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ lấy công làm lãi hoặc hòa vốn.
Kiểm soát thị trường
Ông Bùi Tuấn Khải - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Hà Nội nhận định, để giảm bớt việc nhập khẩu các loại TĂCN, cần có những biện pháp mang tính chiến lược lâu dài như: Quy hoạch lại sản xuất, chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang trồng ngô, đậu tương và áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ vào sản xuất. Tuy nhiên, các địa phương phải khuyến cáo người dân phát triển diện tích trồng ngô, đậu tương theo đúng quy hoạch, thay vì phát triển tùy tiện. Giá TĂCN của Việt Nam luôn cao hơn so với các nước trong khu vực do có nhiều khâu trung gian, phí vận chuyển và các chi phí kiểm nghiệm khác.
Vì vậy, cần thiết phải có sự kiểm soát về giá TĂCN bán trên thị trường vì thực tế cho thấy, các doanh nghiệp kinh doanh TĂCN thường tăng giá với lý do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng mà chưa có sự chia sẻ lợi ích với nông dân. Hiện tại, nông dân chủ yếu mua TĂCN theo kinh nghiệm hoặc thấy đại lý nào bán giá thấp hơn thì mua mà chưa quan tâm nhiều đến chất lượng dẫn đến mua phải thức ăn kém chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng không bảo đảm như niêm yết trên bao bì.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Trọng cho biết, hiện các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang chiếm tới 80% thị trường TĂCN của Việt Nam và chủ động đưa ra mức giá. Do đó, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn, lãi suất, các doanh nghiệp sản xuất TĂCN trong nước phải tăng cường đầu tư về khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cả về giá thành cũng như chất lượng.
Đối với người chăn nuôi, ngoài mua những loại thức ăn bắt buộc phải có như vitamin, khoáng chất, có thể đầu tư máy móc, thiết bị để tự phối trộn thức ăn, bởi sẽ tiết kiệm 20-30% giá thành sản xuất. Các ngành chức năng cần hỗ trợ cho người chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp sản xuất TĂCN để ký hợp đồng mua trực tiếp sản phẩm từ nhà máy để không bị đẩy giá lên cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.