Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẽ loại bỏ sự “cắt khúc” giữa xét xử và thi hành án dân sự?

Đức Hải| 23/10/2014 17:09

(HNMO)- Dự kiến ngày 3-11 tới, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự.

Theo ông Trần Tiến Dũng - Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự trên cơ sở của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Chính phủ đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại kỳ họp thứ 8 (Quốc hội khóa XIII) sẽ thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự


Theo đó, có 2 vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Cụ thể: Về tiếp tục duy trì cơ chế thi hành án theo yêu cầu của người được/người phải thi hành án hay chuyển tất cả thành chủ động thi hành án, nhằm bảo đảm nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận, khuyến khích các bên hòa giải trong lĩnh vực dân sự và kinh tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (nếu tòa án, cơ quan thi hành án dân sự phải chủ động ra quyết định thi hành án đối với tất cả bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật sẽ làm phát sinh thêm TTHC trong trường hợp người được thi hành án không muốn thi hành hoặc các bên đã tự thi hành, hòa giải), phù hợp với thực tiễn pháp luật của nhiều quốc gia về việc tôn trọng quyền tự nguyện thi hành án của đương sự, Chính phủ đề nghị chỉ nên mở rộng diện chủ động thi hành án đối với các trường hợp người được thi hành án là cơ quan, tổ chức nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước, đồng thời giữ cơ chế thi hành án theo yêu cầu của người được/người phải thi hành án như dự thảo Luật Chính phủ đã trình Quốc hội.

Về cơ quan ra quyết định đưa bản án, quyết định thi hành: Chính phủ đã đề nghị tòa án là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành và chuyển cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thi hành án để tổ chức thi hành. Quy định này sẽ góp phần làm rõ sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực, loại bỏ sự “cắt khúc” hiện nay giữa công tác xét xử và công tác thi hành án dân sự.

Thực tế, cũng nhằm bảo đảm gắn vai trò, trách nhiệm của tòa án đối với bản án, quyết định của mình, góp phần bảo đảm sự đồng bộ với hệ thống pháp luật Việt Nam về tố tụng hình sự và thi hành án hình sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẽ loại bỏ sự “cắt khúc” giữa xét xử và thi hành án dân sự?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.