Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sáu thập kỷ xây dựng và phát triển

Hồng Sơn| 24/12/2015 06:28

(HNM) - Hà Nội với vị thế là một đô thị đặc biệt, có vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, do đó ngành Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Hà Nội cũng mang trong mình sứ mệnh quan trọng.

Tiền thân là Ủy ban Kế hoạch TP Hà Nội, được thành lập ngày 8-10-1955, năm 1996, Sở KH-ĐT Hà Nội được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Ủy ban Kế hoạch và Sở Kinh tế đối ngoại thành phố. Nhìn lại những bước ngoặt lịch sử đó, từ những năm tháng chiến tranh, thống nhất đất nước, đổi mới và hội nhập hôm nay… tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động của Sở có thể tự hào về những nỗ lực, tinh thần cống hiến và sức sáng tạo qua 60 năm hình thành, phát triển.

Hiện nay, Hà Nội luôn duy trì là địa phương đứng thứ ba toàn quốc về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với khoảng 2.800 dự án FDI còn hiệu lực và số vốn đăng ký trên 22,5 tỷ USD. Ảnh: Nhật Nam


Tiếp quản Thủ đô sau 9 năm kháng chiến, Hà Nội khi đó đang trong tình trạng cơ sở hạ tầng lạc hậu, nền kinh tế mất cân đối nghiêm trọng. Nhiệm vụ cấp bách là phải khôi phục kinh tế để khắc phục hậu quả chiến tranh và tạo nền móng cho phát triển. Cùng với việc xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội, nhân dân Hà Nội còn chi viện cho miền Nam chống đế quốc Mỹ, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngành đã xây dựng và thực hiện những kế hoạch cụ thể. Trong giai đoạn này Thủ đô có những thuận lợi cơ bản, tuy nhiên việc duy trì cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung, bao cấp của nền kinh tế quá dài làm cho tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) ngày càng nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, ngành đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu với các cấp lãnh đạo bảo đảm nhu cầu vật tư, thiết bị cơ bản của nền kinh tế; hàng hóa lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự xã hội.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, chủ trương mở cửa, hội nhập kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, ngành KH-ĐT Thủ đô đã không ngừng đổi mới, tham mưu đề xuất nhiều chính sách xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, đã xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, quy hoạch phát triển tổng thể KT-XH thành phố và quy hoạch phát triển KT-XH huyện, thị xã; thẩm định các quy hoạch phát triển ngành, xây dựng kế hoạch trung hạn và dài hạn của Thủ đô; coi trọng việc dự báo kế hoạch và xây dựng cơ chế chính sách, gắn chặt kế hoạch KT-XH, với giải pháp về đầu tư xây dựng trên địa bàn, chủ động tham mưu huy động các nguồn lực và đề xuất cơ chế điều hành, kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch góp phần thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Từ năm 1986 đến năm 2015, bình quân tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Thủ đô tăng 9,44%/năm (trong đó, giai đoạn 1986-1990 tăng 4,53%/năm, giai đoạn 1991-2000 tăng 11,61%/năm, giai đoạn 2006-2010 tăng 10,86%, giai đoạn 2011-2015 tăng 9,23%); GRDP đầu người năm 2015 đạt 3.660 USD - gấp 1,7 lần so với năm 2010. Các mặt văn hóa - giáo dục có tiến bộ rõ nét, đô thị ngày càng khang trang và đổi mới, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện.

Năm 2008, Thủ đô được mở rộng địa giới hành chính. Với tinh thần chủ động sáng tạo, tập trung, chất lượng, hiệu quả, ngành KH-ĐT Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan hoàn thành tốt các nhiệm vụ tham mưu thực hiện tốt Nghị quyết 15/2008/NQ-QH12 về điều chỉnh địa giới hành chính. Với sự nỗ lực cao, ngành đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong đó, ngành tham mưu UBND TP Hà Nội xây dựng "Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô"; "Chiến lược phát triển KT-XH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" và "Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2030"; các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và quy hoạch KT-XH của các huyện, thị xã; kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011-2015... Tổng hợp xây dựng, giao kế hoạch phát triển KT-XH; chủ trì tổng hợp báo cáo KT-XH hằng tháng, quý, 6 tháng và cả năm, đề xuất kịp thời các giải pháp phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của thành phố. Phối hợp các ngành, các cấp để phát huy các nguồn lực, bảo đảm vốn đầu tư cho nhu cầu dân sinh bức xúc và phát triển Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại. Tham mưu các cơ chế, chính sách xã hội hóa đầu tư, huy động tối đa các nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Tổ chức, thực hiện tốt chức năng đầu mối quản lý nhà nước về vay vốn ODA, FDI. Hà Nội luôn duy trì là địa phương đứng thứ 3 toàn quốc về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đến nay, trên địa bàn có khoảng 2.800 dự án FDI còn hiệu lực, với số vốn đăng ký trên 22,5 tỷ USD.

Ngành KH-ĐT Hà Nội đã tham mưu thực hiện các chương trình, công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, các công trình hạ tầng khung, các cơ chế đặc thù để thu hút tập trung nguồn lực, để triển khai nhanh thủ tục bảo đảm khởi công và hoàn thành các công trình lớn. Nhiều dự án lớn quan trọng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đầu tư và đưa vào sử dụng các khu nhà ở xã hội, đô thị mới hiện đại, các khu, cụm công nghiệp. Đô thị được chỉnh trang, công viên, vườn hoa được đầu tư, môi trường sông, hồ được cải tạo; nhiều chương trình công tác hằng năm khác và các chương trình hợp tác với các thành phố lớn Châu Á, các tổ chức quốc tế, các vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các địa phương trong cả nước cũng được thực hiện. Nhiều hoạt động hợp tác, hỗ trợ và phối hợp được triển khai đem lại hiệu quả, tạo ấn tượng tốt đẹp trong bạn bè quốc tế.

Kết quả đã đạt được trong những năm qua khẳng định bước trưởng thành, lớn mạnh sau nhiều giai đoạn phát triển, ghi những dấu mốc lịch sử làm tiền đề cho những bước phát triển tiếp theo. Nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển, Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn và ấn tượng. Mặc dù chỉ chiếm 8% về dân số và 1% về diện tích lãnh thổ cả nước, nhưng Hà Nội hiện đóng góp khoảng 13% GDP, 16,5% thu ngân sách cả nước. Mọi lĩnh vực của đời sống KT-XH đều có những bước phát triển, mức sống của nhân dân Thủ đô đang tăng lên, diện mạo Thủ đô ngày càng đổi mới, văn minh, hiện đại. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người (GDP/người) đạt 3.660 USD. Tự hào với truyền thống 70 năm của toàn ngành, các thế hệ lãnh đạo và người lao động ngành KH-ĐT Hà Nội quyết tâm phát huy tinh thần "Đoàn kết - Trí tuệ - Đổi mới - Sáng tạo" đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và Thủ đô Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sáu thập kỷ xây dựng và phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.