(HNM) - Kỳ thi tuyển đại học đã khép lại với hàng triệu người trực tiếp tham gia cũng như với sự quan tâm, sẻ chia của toàn xã hội. Theo thông báo của Bộ GD-ĐT, các trường đại học sẽ công bố điểm thi trước ngày 5-8 và điểm sàn trước ngày 10-8.
Tuy nhiên, với trên 1.333.000 thí sinh, chỉ tuyển trên 500 chỉ tiêu, số người không trúng tuyển sẽ là gần 2/3, tương đương với trên 800.000 người. Họ sẽ phải tiếp tục ôn tập để tham gia kỳ thi tuyển sang năm hoặc sẵn sàng học các cấp học thấp hơn, học nghề, thậm chí là lao động phổ thông để kiếm sống. Gần một triệu người cùng với người thân của họ phải đón nhận một kết quả thi không như mong muốn, đó là một sức ép tâm lý không nhỏ.
Trong một nền kinh tế đang tri thức hóa, nhất là trong khi một bộ phận xã hội còn nặng tâm lý bằng cấp, không thể phủ nhận giá trị của tấm bằng đại học, vì vậy với không ít người, được học đại học là một may mắn. Nhưng xưa đã vậy và nay cũng vậy, số người không trúng tuyển trong một kỳ thi bao giờ cũng nhiều hơn số người trúng tuyển. Trúng tuyển, tất nhiên là vui nhưng không trúng tuyển sẽ ra sao? Dĩ nhiên, cánh cửa vào đời không phải chỉ có con đường tốt nghiệp đại học. Biết bao nhiêu người có một bằng, thậm chí hai bằng đại học và khá nhiều chứng chỉ tin học, ngoại ngữ nhưng vẫn không tìm được việc làm? Trong khi đó, biết bao nhiêu người quanh ta đã thành đạt, có đóng góp lớn cho cộng đồng, được xã hội tôn trọng tuy không có bằng tốt nghiệp đại học hoặc chỉ học đại học sau khi có đủ điều kiện về kinh tế, nghề nghiệp. Trên báo chí, ngày nào cũng có những tấm gương lao động khiến nhiều người nể phục, đó là những "thần đèn" và "làng thần đèn" có khả năng dịch chuyển nhà cửa, công trình xây dựng hàng trăm tấn; các kỹ sư "hai lúa" sáng chế ra các máy bơm, máy cày, máy bừa, máy tách vỏ lạc, vỏ hạt điều; những điển hình lao động sáng tạo nghĩ ra cách lọc nước biển lấy nước ngọt, cải tạo nước bẩn bằng bèo sen, cho thanh long ra quả vào mùa đông… dù họ chưa một lần bước qua ngưỡng cửa trường đại học. Trong cuộc sống có hàng nghìn, hàng vạn người như thế. Có thể nói cụ thể, 80% các nhà văn nổi tiếng ở nước ta hiện nay, nhất là với thế hệ từng kinh qua chiến tranh, đều chưa học qua đại học. Trường đại học của họ là cuộc sống. Chính cuộc sống đã đào tạo họ. Nhiều người trong số này hiện đang tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học, trong khi chính họ chưa được một trường nào đào tạo.
Hãy chia vui với những sinh viên tân khoa năm nay đồng thời hãy chia sẻ với những người chưa đạt được nguyện vọng trong kỳ thi tuyển sinh này cùng với người thân của họ. Thi là một cuộc khảo thí, không chỉ kiến thức, không chỉ là chuyện trúng tuyển hay không trúng tuyển mà còn là dịp để đánh giá mình, xác định hướng vào đời của mình một cách đúng đắn. Ai chiến thắng mà không hề chiến bại, câu hát quen thuộc ấy như một lời nhắc nhở cũng là động viên, thôi thúc hàng triệu người trong chúng ta.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.