(HNM) - Trong 5 năm qua, Nghị quyết số 33-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã được Hà Nội triển khai với trách nhiệm cao và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Điều dễ nhận thấy nhất là đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân Thủ đô ngày càng được cải thiện và nâng cao. Đặc biệt, nhận thức, ý thức, trách nhiệm của đa số cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò và nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh ngày càng được khẳng định, đắp bồi. Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ, đạt và vượt chỉ tiêu trên nhiều lĩnh vực...
Mỗi một thành công đều cho bài học kinh nghiệm giá trị. Trong thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TƯ, Hà Nội đã thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo, với những nhiệm vụ, giải pháp trên cơ sở điều kiện, đặc điểm cụ thể của Thủ đô. Trong đó nổi bật là Chương trình 04/CTr-TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”. Ngoài ra là những chính sách, giải pháp cụ thể phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh bước đầu đạt hiệu quả với nhiều mô hình, sáng kiến hay như: Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội (Chỉ thị số 11-CT/TU); ban hành "Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội", "Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố"...
Tuy vậy, nhìn lại chặng đường đã qua, phải thừa nhận, với bề dày truyền thống văn hóa cũng như với vai trò là trung tâm đầu não về chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và giao dịch quốc tế, kết quả đã đạt được là chưa đáp ứng yêu cầu. Trong quá trình phát triển đã nảy sinh không ít hạn chế, bất cập về văn hóa, xã hội chưa được giải quyết triệt để.
Để khắc phục tồn tại, phát huy kết quả đạt được góp phần lan tỏa văn hóa của Thủ đô, rõ ràng việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TƯ cần được tiếp tục triển khai hiệu quả hơn nữa.
Trong đó, phải tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất nhằm không ngừng phát triển văn hóa xã hội. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Chương trình 04/CTr-TU, hai quy tắc ứng xử và coi đây là giải pháp trọng tâm để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Cách ứng xử văn hóa phải lan tỏa từ mỗi cán bộ, đảng viên tới từng người dân để cùng thấm nhuần bản sắc văn hóa người Hà Nội, nhất là sau 20 năm Thủ đô được UNESCO công nhận là "Thành phố Vì hòa bình", từ đó càng thêm tự hào, góp sức xây dựng Thủ đô nghìn năm văn hiến ngày càng văn minh, hiện đại.
Bên cạnh đó, phải tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về văn hóa, con người phù hợp chuẩn mực quốc tế, Việt Nam và thực tiễn của Hà Nội. Đây là một yêu cầu rất cần thiết trong bối cảnh chúng ta hội nhập, giao thoa với văn hóa của thế giới.
Đặc biệt là có chính sách phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nguồn nhân lực trong mọi lĩnh vực, trọng dụng người có tài, có đức và tạo điều kiện để phát huy sáng tạo.
Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo của mỗi cơ quan, đơn vị, đặc biệt là người dân trong quá trình phát triển văn hóa và con người Thủ đô, đó là cách đưa Nghị quyết số 33-NQ/TƯ vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả nhất. Đã sáng tạo, hiệu quả, cần phải sáng tạo, hiệu quả hơn nữa!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.